Đây là nội dung được Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hồ Chí Minh; Báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam công bố tại Chương trình “Vòng tay yêu thương” với sự đồng hành của Hội Thầy thuốc trẻ Thành phố Hồ Chí Minh và Hội Bảo vệ quyền trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh chiều ngày 16/10.
Đối tượng được hỗ trợ là trẻ sơ sinh bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ hoặc mồ côi cả cha mẹ do Covid-19 trên địa bàn thành phố không có người nuôi dưỡng hoặc có người nuôi dưỡng thuộc hộ nghèo, gia đình khó khăn.
Ông Đặng Hồng Anh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam, Phó Chủ tịch Tập đoàn TTC cho biết, sẽ bảo trợ cho các cháu đến năm 18 tuổi thông qua các hình thức.
“Chúng tôi chăm sóc các bé từ tinh thần đến sức khỏe. Sẽ kết hợp với Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam hàng quý đến khám sức khỏe cho các bé và mời các bé về công ty của mình để bù đắp tình cảm yêu thương của gia đình.
Chúng tôi có kế hoạch chăm sóc các bé và hàng năm sẽ tổ chức cho các bé đi du lịch, những chương trình này sẽ xuyên suốt đến khi các bé đủ 18 tuổi. Nếu các bé muốn học tiếp lên đại học, chúng tôi cũng sẵn sàng và kể cả học cao hơn nữa. Sau khi học xong thì doanh nghiệp trong hội sẽ tạo điều kiện cho các bé quay lại”.
Theo bà Nguyễn Trần Phượng Trân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM cho biết, chương trình nhằm tăng cường sự kết nối, vận động các nguồn lực xã hội từ các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp chung tay đóng góp kinh phí chăm lo cho trẻ mồ côi như: vận động hỗ trợ sữa thay thế cho trẻ dưới 36 tháng tuổi, trao tặng quần áo sơ sinh cho trẻ dưới 36 tháng tuổi, trao tặng quần áo, đồ chơi giúp trẻ mồ côi từ 4 đến 10 tuổi, hỗ trợ phương tiện học tập cho trẻ từ 6 tuổi đến dưới 16 tuổi, kết nối, nhận nuôi dưỡng, đỡ đầu trẻ mồ côi, hỗ trợ pháp lý, bảo vệ quyền trẻ em cho trẻ theo đúng quy định của pháp luật, được tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng.
Đồng hành với chương trình lần này, ông Phạm Đình Nghinh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Thành phố khẳng định: “Chúng tôi xác định sẽ tham gia vào hỗ trợ các vấn đề liên quan đến pháp lý. Sẽ cử các luật sư tham gia tích cực và có trách nhiệm trong việc hỗ trợ cho trẻ em và các gia đình của trẻ liên quan đến tài sản, hỗ trợ thủ tục nhận con nuôi, chăm sóc thay thế. Song song đó là triển khai các chương trình can thiệp đồng hành, dưới sự hỗ trợ của nhân viên xã hội để theo dõi, hiểu rõ các em từ đó giúp các cháu có thể vượt qua những khó khăn”.
Chia sẻ tại chương trình, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM bày tỏ: “Chúng tôi thấy chương trình này rất nhân văn và rất xúc động. Vì vậy chúng tôi đã hưởng ứng và vận động tất cả bạn bè ở nước ngoài cũng như trong nước. Tất cả các Chi hội luật sư chúng tôi đóng góp để hỗ trợ, giúp đỡ cho các em trong mùa dịch này, nhất là những em mồ côi”.
Tại buổi lễ, bà Tô Thị Bích Châu – Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM biểu dương và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, kịp thời trong công tác tham mưu của Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố và đã chủ động kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp, mạnh thường quân, huy động được nguồn lực để tổ chức chăm sóc cho các trường hợp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vì Covid 19:
“Đại dịch đã để lại hơn 1.500 trẻ mồ côi. Hôm nay, thay mặt lãnh đạo TP, tôi xin cám ơn, sự chung vai gánh vác của các anh chị, các tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân giúp các em bớt tổn thương và trở thành công dân Việt Nam trưởng thành, có ích cho đời, có ích cho người”.