Ngày 9/12, ông Lê Văn Dũng, Giám đốc Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, cho biết chim cú cá đã từng xuất hiện ở Vườn cách đây một năm.
Ông Dũng kể, khoảng một năm trước trong lúc đi kiểm tra rừng cùng đồng nghiệp đã phát hiện chim con cú cá trên tổ rơi xuống đất bùn. Ông đã đem chim con về bỏ vào lồng dưỡng nuôi.
Sau vài ngày, ông phát hiện chim bố mẹ hàng đêm đem mồi đến cho chim con ăn. Khoảng 3 tuần sau đó, chim con được thả ra thì chim bố mẹ đến tập bay, rồi cùng bay vào rừng.
Gần đây, chim cú cá con đã quay trở lại gần khu nhà hành chính của Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, nơi ông từng nuôi dưỡng nó. Ông Dũng chia sẻ, chim cú cá là loài chim rất thông minh, luôn sống gắn liền với nơi sinh ra, chỉ bỏ đi khi nơi chúng ở bị tàn phá.
Theo ghi nhận của Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, hiện có ít nhất 4 cá thể chim cú cá gồm chim bố mẹ và 2 chim con. Thông tin loài chim quý hiếm này xuất hiện ở Vườn cũng đã thu hút nhiều nhà điểu học tìm đến nghiên cứu, chụp ảnh làm tư liệu.
Chim cú cá có tên khoa học là Ketupa zeylonensis orientalis. Loài chim này có lông tai màu nâu hay nâu đỏ, có nhiều vệt đen ở phía lưng, tai cụp, chân không phủ lông, mắt màu da cam. Chúng hoạt động chủ yếu vào ban đêm.
Chim cú cá sinh sản từ khoảng tháng 12 đến tháng 3 năm sau. Mỗi lần đẻ 1 – 2 trứng. Chúng thường sống trong các rừng thưa, rừng gần nguồn suối, đầm lầy và làm tổ ở các hốc cây, kẽ đá.
Ở Việt Nam, chim cú cá phân bổ chủ yếu ở vùng Đông Bắc, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ và Nam Bộ. Đây là loài động vật quý hiếm, đã được liệt kê vào Sách đỏ Việt Nam.