Tại Hội nghị Bộ trưởng Thương mại và Đầu tư G20, “WC20” (Wildlife Conservation 20) - 20 tổ chức bảo tồn động vật hoang dã (ĐVHD) hàng đầu - đã ban hành một tuyên bố chung gửi tới các nhà lãnh đạo tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 kêu gọi khẩn cấp đầu tư bảo vệ đa dạng sinh học và giảm thiểu nguy cơ xảy ra đại dịch trong tương lai.
Trong Tuyên bố chung, WC20 cho rằng: “COVID-19 chính là lời cảnh tỉnh cho tất cả mọi người trên hành tinh này. Đã đến lúc chúng ta cần trân trọng và đầu tư vào gìn giữ thiên nhiên thông qua việc phát triển các gói kích thích phát triển kinh tế bền vững, thân thiện môi trường trong đó bao gồm giải pháp “Một Sức khỏe” nhằm giải quyết dài hạn vấn đề sức khỏe hành tinh, an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo, biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học và hướng tới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc”.
Tính tới ngày 24/11, gần 1,4 triệu người đã thiệt mạng và hàng trăm triệu người trên toàn cầu chịu ảnh hưởng từ COVID-19. Đây chính là hồi chuông cảnh báo rõ ràng và cấp thiết nhất về mối quan hệ không bền vững giữa con người và thiên nhiên hiện nay.
WC20 cho biết, đầu tư bảo vệ thiên nhiên bao gồm chấm dứt nạn phá rừng, kiểm soát hoạt động buôn bán ĐVHD và cải thiện sinh kế của cộng đồng địa phương phụ thuộc vào nguồn tài nguyên thiên nhiên là một phần quan trọng trong nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Bảo vệ đa dạng sinh học có lẽ là một hành động quan trọng nhất trong chiến lược phục hồi nền kinh tế của các quốc gia nhằm giảm thiểu nguy cơ xảy ra các đại dịch tương tự trong tương lai và tránh các tác động rủi ro tương tự tới sức khỏe con người, các nền kinh tế và môi trường.
Chi phí đầu tư bảo vệ thiên nhiên chỉ bằng một phần nhỏ đối với thiệt hại kinh tế ước tính 26.000 tỷ USD mà COVID-19 đã gây ra. Theo một ước tính gần đây, nếu đầu tư 700 tỷ USD mỗi năm sẽ giúp phục hồi được đa dạng sinh học trên thế giới, chỉ bằng 1/40 tổn thất kinh tế do đại dịch COVID-19 đem lại.
Phần lớn số tiền đầu tư bảo vệ thiên nhiên không cần phải từ nguồn đầu tư mới. Một phần đáng kể có thể lấy từ chính các loại hình đầu tư phát triển kinh tế làm tổn hại đến thiên nhiên, môi trường.
Chính thời điểm quan trọng này đã thúc đẩy sự hình thành WC20, tập hợp 20 tổ chức bảo tồn đi đầu trong hoạt động bảo vệ ĐVHD và hệ sinh thái. WC20 đại diện tiếng nói của cộng đồng bảo tồn, cùng nhau thống nhất các bước cần thiết để nắm bắt cơ hội chưa từng có này.
Các nội dung hành động trong Tuyên bố chung của WC20 bao gồm: đảm bảo việc sử dụng hợp pháp, bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo việc sử dụng không đe dọa tới sức khỏe con người hoặc động vật;
Tăng cường hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho hoạt động thực thi pháp luật ở một số các quốc gia và vùng lãnh thổ là nơi khai thác, điểm trung chuyển và tiêu thụ ĐVHD, tạo được tính răn đe hiệu quả đối các với tội phạm về ĐVHD; Bảo vệ và quản lý hiệu quả các hệ sinh thái tự nhiên và các loài ĐVHD nhằm giúp phát triển một nền kinh tế bền vững trên toàn thế giới, cải thiện các hệ sinh thái đang bị phá hủy, nâng tổng số diện tích lên 30% diện tích đất liền và biển trong thập kỷ tới;
Công nhận và tôn trọng quyền của các bộ tộc bản xứ và các cộng đồng địa phương sống phụ thuộc vào hệ sinh thái tự nhiên, giúp giảm sự phụ thuộc của các cộng đồng này vào nguồn tài nguyên thiên nhiên nhằm giảm thiểu, ngăn chặn và cải thiện các hệ sinh thái tự nhiên mà họ đang nắm giữ;
Nâng cao nhận thức cộng đồng, giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ đối với các loài ĐVHD bị khai thác bất hợp pháp, không bền vững, hoặc các sản phẩm của chúng.
Nhóm 20 tổ chức hội nghị WC20 bao gồm:
African Parks, African Wildlife Foundation, BirdLife International, Born Free Foundation, Conservation International, Education for Nature -Vietnam, Global Initiative to End Wildlife Crime, Environmental Investigation Agency, Fauna & Flora International, Frankfurt Zoological Society, Freeland, Jane Goodall Institute, Paradise Foundation International, Space for Giants, The Nature Conservancy, TRAFFIC, WildAid, Wildlife Conservation Society, WWF, ZSL (Zoological Society of London).