Trái ngược với những lời nhận xét kỳ lạ từ bạn bè trước đây, hiện nhiều người trong nhóm của cô cũng bắt đầu từ bỏ rượu bia.
Olivia chia sẻ: "Chúng tôi không còn thích cảm giác say hay tiêu tiền vào rượu bia. Có thể vì chúng tôi trưởng thành hơn, hoặc đơn giản là thấy uống rượu không còn “ngầu” như trước."
Theo giáo sư Mary Charlton từ Đại học Iowa, Gen Z ở Mỹ ngày càng nhận thức rõ hơn về những mối nguy hại từ các sản phẩm gây nghiện như rượu và thuốc lá. Thế hệ trẻ không còn nghĩ rằng "cuộc đời ngắn ngủi, cứ tận hưởng một ly rượu hay điếu thuốc" như những thế hệ trước đây.
Becca Borowshi (25 tuổi, ở Wisconsin) là một ví dụ điển hình. Cô từng uống nhiều trong thời đại học nhưng nhận ra tác hại và quyết định thay đổi thói quen sau đại dịch Covid-19. "Chúng tôi nhận ra rằng có thể tự tạo niềm vui mà không cần đến rượu bia," cô chia sẻ.
Một cuộc khảo sát của Gallup vào năm 2024 cho thấy tỷ lệ người Mỹ từ 18 đến 34 tuổi sử dụng đồ uống có cồn đã giảm xuống mức thấp kỷ lục, giảm so với các số liệu trước đây từ năm 2001.
Trong khi đó, các không gian không cồn đang ngày càng thu hút sự chú ý. Tại Chaotic Good Café ở New York, khách hàng trẻ tuổi chọn chơi boardgame Dungeons and Dragons thay vì tụ tập uống rượu. Chủ quán cho biết: "Nhiều người trong độ tuổi 20-30 đến quán để làm việc thay vì uống rượu thâu đêm."
Thị trường đồ uống không cồn hiện đang bùng nổ với giá trị 13 tỷ USD, dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong những năm tới. Các thương hiệu lớn như Heineken nhanh chóng bắt kịp xu hướng này khi bổ sung các sản phẩm không cồn vào danh mục của mình.
Những doanh nghiệp nhỏ cũng không bỏ lỡ cơ hội. Alexandra Zauner, người đã bỏ rượu hơn 10 năm vừa mở một cửa hàng đồ uống không cồn kết hợp phòng thử rượu tại Minnesota, thu hút ngày càng nhiều người tìm kiếm những trải nghiệm vui vẻ mà không cần phải uống rượu.
Tại trung tâm leo núi RockQuest ở Ohio, các buổi tối thứ 6 thu hút đông đảo giới trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời thay vì đắm chìm trong men rượu, chứng tỏ một lối sống mới đầy năng lượng và khỏe mạnh.