Chờ...

Cần tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp du lịch dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay

(VOH) - Sở Du lịch cùng Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM vừa tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng và doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch.

Từ đầu năm 2022 đến nay ngành du lịch cả nước nói chung, TPHCM nói riêng đang phục hồi mạnh mẽ trở lại. Tại TPHCM, trong 7 tháng đầu năm đã đón hơn 13,3 triệu lượt khách nội địa và hơn 765.000 lượt khách quốc tế, doanh thu du lịch đạt khoảng 60.300 tỉ đồng. Cùng với niềm vui vì đón khách trở lại, nhưng hàng ngàn doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành du lịch đang vất vả tìm nguồn tài chính để tái phục hồi. Theo ông Nguyễn Khoa Luân, Giám đốc Công ty Ảnh Việt Hop on - Hop off Việt Nam thì dù vừa qua có nhiều chính sách được ban hành, nhưng việc tiếp cận được nguồn vốn vay từ các ngân hàng thương mại thời gian qua cũng rất khó khăn: “Công ty có nhu cầu vay vốn tín dụng để đầu tư thêm xe buýt 2 tầng phục vụ khách du lịch. Nhưng khi liên hệ, một số ngân hàng thương mại đều nói hết hạn mức tăng trưởng tín dụng không thể cho vay. Chưa kể doanh nghiệp sau 2 năm "ngủ đông" tài sản thế chấp đã nằm hết ở ngân hàng không thể có thêm tài sản”.

Thời gian qua, Chính phủ, các bộ ngành cũng đã ban hành một số chính hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, trong đó có doanh nghiệp du lịch. Tuy nhiên theo bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó giám đốc Sở Du lịch TP HCM hiện các doanh nghiệp gặp khó trong tiếp cận nguồn vốn vay để tái khởi động, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp lữ hành đang rất cần nguồn vốn xoay vòng đón các đoàn khách đến, nhưng vì vướng một số quy định không đáp ứng được yêu cầu của các ngân hàng. Do đó, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu đề xuất trong quá trình triển khai Nghị định số 31 của Chính phủ các ngân hàng thương mại cần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp: “Việc triển khai Nghị định số 31 của Chính phủ tạo điều kiện cho doanh nghiệp du lịch giải tỏa cơn khát vốn phục hồi mạnh mẽ. Sở Du lịch kiến nghị các ngân hàng thương mại có cơ chế cho vay linh hoạt để các doanh nghiệp dễ tiếp cận vòng vốn và hợp tác các chương trình khuyến mãi kích cầu du lịch”.

Cần tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp du lịch dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay 1
Du khách tham quan Di tích lịch sử chiến khu Rừng Sác - Cần Giờ. Ảnh minh họa: PN

Cũng vì khó tiếp cận vốn tín dụng trong vai trò của doanh nghiệp du lịch vì không có tài sản thế chấp, hoạt động kinh doanh gần như bằng 0 trong 2 năm qua, mà một số doanh nghiệp phải vay vốn ngân hàng dưới dạng vay tiêu dùng cá nhân để phục vụ cho việc vận hành của công ty. Chia sẻ với những vướng mắc của các doanh nghiệp ngành du lịch, Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho biết, vì có một số quy định bắt buộc các ngân hàng phải chấp hành không thể làm khác được. Tuy nhiên, hiện nay các ngân hàng đang triển khai cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo Nghị định số 31 của Chính phủ và Thông tư số 03 của Ngân hàng Nhà nước về hỗ trợ lãi suất 2%, trong đó có doanh nghiệp thuộc lĩnh vực du lịch. “Đến thời điểm hiện nay thì ngành ngân hàng TPHCM đã chuẩn bị xong các công việc để triển khai gói tín dụng theo Nghị định số 31 của Chính phủ. Vấn đề hiện nay là truyền thông để các doanh nghiệp biết gói vay và tiếp cận”, ông Lệnh cho biết thêm.

Để doanh nghiệp du lịch phục hồi tích cực và bền vững, các doanh nghiệp cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần có sự chuyển đổi mạnh mẽ hơn trong việc tiếp cận các chính sách và giải pháp hỗ trợ về vốn, vì thực tế nhiều doanh nghiệp không tránh khỏi tình trạng nợ xấu hoặc thiếu điều kiện tiêu chuẩn tiếp cận nguồn vốn vay sau 2 năm dịch bệnh. Do vậy rất cần Ngân hàng Nhà nước sớm tháo gỡ những vướng mắc để doanh nghiệp dễ tiếp cận hơn với nguồn vốn vay phục vụ cho quá trình phục hồi và phát triển trở lại của ngành du lịch.