Tiêu điểm: Bệnh Sởi
Chờ...

Du xuân: Miền đất 9 rồng

VOH - Vùng đất đồng bằng sông Cửu Long màu mỡ phù sa, nơi dòng Mê Kông đổ ra biển. Miền đất ấy hòa quyện văn hóa và thấm đẫm chất hào sảng của người Nam bộ.

Sông Mê Kông bắt nguồn sông Lan Thương ở vùng từ cao nguyên Thanh Tạng (Trung Quốc), chảy qua các nước Lào, Thái Lan và Campuchia.

Từ đất Campuchia, sông chia thành 2 nhánh chảy vào Việt Nam, gọi là sông Tiền (Tiền Giang) và sông Hậu (Hậu Giang). Rồi tiếp tục chia thành 9 nhánh trước khi đổ ra biển theo 9 cửa: Tiểu, Đại, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên, Cung Hầu, Định An, Ba Thắc (Bassac) và Trần Đề. Chín nhánh sông như 9 con rồng uốn lượn nên được gọi là sông Cửu Long. 

Qua thời gian, hai cửa sông Ba Lai và Ba Thắc (Bassac) bị bồi lắng không còn phù hợp cho giao thông thủy nên được đầu tư làm cống/ đập ngăn mặn. Do đó, sông Cửu Long hiện chỉ còn bảy cửa đổ ra biển.

[BÀI MÙNG 3 TẾT - 12/2] Du xuân: Miền đất 9 rồng 1
Các cửa sông đổ ra biển của dòng Mê Kông

Về với vùng "Miền Tây sông nước Cửu Long" là về với cái văn hóa miệt vườn chân chất, bộc trực nhưng cũng đầy hào sảng và chất chứa ân tình. Người miền Tây ít có thói quen phân biệt theo địa giới, bạn ở Lạng Sơn hay Sài Gòn, bạn từ Đồng Hới hay Đồng Nai... cứ gặp nhau, "móc ruột ra mà trò chuyện" là thân thương, là trân quý.

Ngày Xuân, hãy cùng gia đình xuôi Quốc lộ 1, trải nghiệm quãng đường khoảng 300km qua các tỉnh Long An, Tiền Giang - Vĩnh Long - Cần Thơ - Hậu Giang - Sóc Trăng và Bạc Liêu để về với đất mũi Cà Mau, miền đất cực Nam của đất nước.

Trên đường đi, bạn hãy thử ghé vào Long An và ăn sáng với món lẩu mắm. Lẩu mắm mang hương vị đặc trưng của đất Long An. Với phần nước lèo thơm ngon, đậm đà vị mắm, kết hợp cùng vị cay, ngọt hòa quyện mang lại một món lẩu dân dã, nhưng lại vô cùng hấp dẫn. Lẩu sau khi được nấu chín sẽ ăn cùng với các loại rau như: hoa súng, điên điển, hoa chuối, rau nhút,...

Đến địa phần Tiền Giang, nhớ thăm Cồn Thới Sơn với trải nghiệm tát đìa bắt cá, chèo xuồng ba lá len lỏi dưới tán dừa nước và lắng nghe tiếng cười trong vắt của các cô thôn nữ miệt vườn. Ghé Vĩnh Long nhớ thăm Di tích quốc gia Văn Thành Miếu - ngôi “Quốc Tử Giám của phương Nam” - nép mình bên bờ sông Long Hồ thơ mộng.

[BÀI MÙNG 3 TẾT - 12/2] Du xuân: Miền đất 9 rồng 1
Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa quốc gia

Tiếp tục hành trình ta đến với xứ Tây Đô "gạo trắng nước trong". Bữa trưa dẫu trễ tràng cũng đừng quên nếm thử cái giòn rụm, xốm xốp của bánh xèo Cần Thơ. Ghé mua thêm vài đòn bánh tét lá cẩm vừa để lót dạ cho quãng đường phía trước mà cũng có thể mang về quà đặc sản cho bạn bè quyến thuộc.

Về miệt Sóc Trăng, Bạc Liêu hãy dành thêm thời gian để cảm nhận sự hòa quyện, giao thoa giữa 3 nền văn hóa: Kinh - Khơ mer và văn hóa Trung Hoa của những người Minh Hương vì không phục triều Thanh (Trung Quốc) mà di cư về phương Nam, được chúa Nguyễn chấp thuận cho khai khẩn lập làng ở vùng đất phương Nam này.

[BÀI MÙNG 3 TẾT - 12/2] Du xuân: Miền đất 9 rồng 3
Tô bún nước lèo Sóc Trăng nhìn mộc mạc nhưng mang đậm nét đặc trưng văn hóa của miệt đất này.

Bún nước lèo Sóc Trăng từng đạt giải nhất tại Liên hoan du lịch Mê Kông cũng chính là món ăn mang nặng tính “giao thoa” giữa các khẩu vị của cả ba dân tộc Kinh, Khmer, Hoa ở Sóc Trăng. Vị ngọt bùi của trứng và ruột cá lóc, hương vị mặn mà, đậm đà của mắm Pò-hốc của người Khmer được ăn kèm với bắp chuối non, rau muống thái sợi, giá sống thì đích thị là cung cách của người Kinh, nhưng vài miếng bì heo quay giòn giòn, dai dai, béo béo lại đúng là của người Hoa.

Đã tới Bạc Liêu ắt phải ghé nhà Công tử Bạc Liêu. Từ khu nhà Công tử Bạc Liêu cũng chỉ mất vài phút di chuyền bằng ô tô là đến Khu lưu niệm Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, đến đây, du khách sẽ được thưởng thức di sản văn hóa phi vật thể Đờn ca tài tử Nam Bộ, nhất là bài Dạ cổ hoài lang nổi tiếng.

[BÀI MÙNG 3 TẾT - 12/2] Du xuân: Miền đất 9 rồng 4
Toàn cảnh khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu.

Cuối hành trình, đặt chân đến mãnh đất Cà Mau phảng phất hương rừng U Minh Hạ, bên tai nghe tiếng rì rào của sóng vỗ vào chân cầu vượt biển ra Hòn Đá Bạc. Và chắc chắn không ai có thể bỏ qua rẻo đất cực Nam của đất nước - Mũi Cà Mau - nơi cộc mốc với biểu tượng cánh buồm lướt về phía biển. Không chỉ có nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng, Cà Mau còn có đảo Hòn Khoai đẹp nên thơ với những người dân Nam bộ hiền hòa hiếu khách. 

[BÀI MÙNG 3 TẾT - 12/2] Du xuân: Miền đất 9 rồng 5
Hòn Đá Bạc được xem là “con mắt ngọc của miền Tây”, ngoài ngụ ý tôn vinh vẻ đẹp của đảo, danh xưng này còn có ý nghĩa như một con mắt tinh tường canh giữ một vùng biển phía Tây Nam của Tổ quốc.

Một cung đường du xuân với rất nhiều trải nghiệm và kiến thức. Một chuyến tìm về với cái hào khí người Nam đi mở đất để thêm yêu, thêm quý từng mét đất vàng từng phân biển bạc ghi dấu hiền nhân. Để thêm nghị lực và năng lượng cho những ngày lao động hăng say phía trước.