Không có doanh thu thì hoãn thuế 10 năm cũng vô ích!

(VOH) - Hiệp hội Du lịch Việt Nam có kiến nghị lên Chính phủ xem xét hỗ trợ việc hoãn thuế cho doanh nghiệp du lịch trong thời điểm cuối năm mới hợp lý.

Nằm trong khuôn khổ các hoạt động của Chương trình kích cầu du lịch toàn quốc 2020, tại Phú Quốc, Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Du lịch TPHCM tổ chức Tọa đàm tìm giải pháp kích cầu thị trường khách du lịch nội địa 2020. Tại đây, nhiều giải pháp, đề xuất cũng được các doanh nghiệp thẳng thắn một cách cụ thể.

Đoàn đại biểu là các doanh nghiệp du lịch khảo sát tuyến điểm miền Tây, nghe Đờn ca tài tử và thưởng thức cây trái miệt vườn ở Đồng bằng sông Cửu Long

Đoàn đại biểu là các doanh nghiệp du lịch khảo sát tuyến điểm miền Tây, nghe Đờn ca tài tử và thưởng thức cây trái miệt vườn ở Đồng bằng sông Cửu Long

Tại tọa đàm, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang ông Trần Chí Dũng khẳng định, đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội nói chung, trong đó ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề. Do đó, việc phát động chiến dịch “người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” do Bộ VH,TT&DL triển khai nhằm góp phần phục hồi hoạt động của ngành du lịch cả nước nói chung và tỉnh Kiên Giang nói riêng.

Ông Dũng cho biết: hơn 2 tháng ảnh hưởng, số lượng khách du lịch ở Kiên Giang bị tác động nghiêm trọng. Tính trong 4 tháng đầu năm nay, lượng khách đến với Kiên Giang chỉ đạt 1,7 triệu, giảm 40% so với cùng kỳ năm trước. Khách quốc tế chỉ đạt hơn 151.000, giảm 52%, tổng thu từ du lịch đạt khoảng 3.400 tỷ đồng, giảm 51% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh hiện có 768 Cơ sở lưu trú với trên 21.000 phòng, trong đó khách sạn từ 4-5 sao có 22 cơ sở với gần 9000 phòng. Các dịch vụ nhà hàng, khu vui chơi giải trí mang tầm quốc tế được đầu tư ngày càng nhiều, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của du khách trong và ngoài nước.

Nguyễn Vũ Khắc Huy, Giám đốc Công ty lữ hành Vinatravel cho rằng, trên cơ sở khuyến mãi của các điểm đến, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, các doanh nghiệp lữ hành đang cố gắng xây dựng các tour kích cầu với mức giá ưu đãi nhất, cộng với đẩy mạnh quảng bá, truyền thông để thu hút du khách. Tuy nhiên, đối với các hãng hàng không, ông Huy cho rằng, chính sách giá áp dụng ngắn nên các công ty lữ hành còn gặp một ít khó khăn như sau khi hết giãn cách xã hội, du khách có xu hướng tự đi và tham gia vào các gói combo, nghỉ dưỡng rất nhiều. Các doanh nghiệp cũng xây dựng thêm gói combo vé máy bay - phòng nghỉ dưỡng, nhưng khi triển khai còn gặp một số khó khăn nên mong Hiệp hội Du lịch Việt Nam làm việc với các hãng hàng không để lấy thêm vé rẻ vì một số hãng chỉ cho vé theo từng tháng chứ không phải như hàng quý như trước đây.

“Ví dụ Vietjet chỉ cho vé kích cầu trong tháng 6, còn những tháng khác chưa có. Tuy nhiên, nếu triển khai kích cầu trong vòng 1 tháng thì rất khó bán”, ông Huy cho biết.

Ông Vũ Thế Bình phát biểu và trao đổi với các doanh nghiệp du lịch tại Phú Quốc

Ông Vũ Thế Bình phát biểu và trao đổi với các doanh nghiệp du lịch tại Phú Quốc.

Trao đổi với các doanh nghiệp du lịch tại buổi tọa đàm, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: gần 2 tháng qua, Hiệp hội đã có kiến nghị lên Chính phủ xem xét hỗ trợ việc hoãn thuế cho doanh nghiệp du lịch trong thời điểm cuối năm mới hợp lý.

Theo ông Bình: "Việc hoãn thời gian nộp thuế cũng mừng chứ nhưng khi tôi biết có quy định giãn nộp thuế chỉ trong quý 1, quý 2 năm 2020 thì tôi có văn bản gửi lên Thủ tướng rồi. Bởi vì quý 1, quý 2, các doanh nghiệp du lịch làm gì có doanh thu. Không có doanh thu thì làm gì có thuế. Không có thuế thì có được hoãn 10 năm cũng vô nghĩa.

Cho nên, chúng tôi có đề xuất hoãn ngay lập tức trong quý 3 và quý 4 năm nay và có thể hoãn hết năm 2021 thì may ra chúng ta mới có lợi một chút. Rồi việc vay không lãi suất để trả lương, hầu hết doanh nghiệp du lịch đều chưa tiếp cận được nhưng chúng ta bắt buộc phải kiên trì”.

Theo ông Bình, việc hỗ trợ đúng trọng tâm giống như tiếp sức cho doanh nghiệp du lịch khôi phục lại hoạt động một cách nhanh nhất, từ đó kích thích các ngành kinh tế khác cùng phát triển. Hiện nay, Bộ Công thương đã chấp thuận đề xuất của ngành du lịch được giảm tiền cho các cơ sở lưu trú du lịch.

Theo đó, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú được trả chi phí tiền điện từ loại hình kinh doanh dịch vụ sang loại hình sản xuất. Tuy nhiên, Sở Du lịch các địa phương phải có xác nhận các doanh nghiệp đó là các cơ sở lưu trú theo tiêu chuẩn của Luật Du lịch 2017.

Thêm vào đó, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng đề nghị Nhà nước cũng phải đồng hành cùng với doanh nghiệp, hỗ trợ giảm giá vé tham quan điểm đến, di tích ở mỗi địa phương để chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp…

Đối với vé máy bay, ông Vũ Thế Bình cho hay, sẽ có buổi làm việc với các hãng hàng không để tăng thêm chương trình và chính sách khuyến mãi, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp du lịch sớm khôi phục hoạt động kinh doanh.

Dịch COVID-19: Sáng 18/5, không có ca mắc mới, còn cách ly tập trung tại cơ sở y tế hơn 8900 người - (VOH) - Việt Nam đã có 32 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, 180 ca nhiễm sau khi nhập cảnh vào Việt Nam được cách ly ngay.

Bình luận