Tại tọa đàm “Quy trình tổ chức du lịch an toàn - tiếp tục kiến nghị giải pháp phục hồi ngành du lịch sau đại dịch”, do Hiệp hội Du lịch TPHCM tổ chức sáng 18/3, bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội kêu gọi các doanh nghiệp trong ngành tiếp tục triển khai thực hiện đầy đủ quy trình Tổ chức du lịch an toàn với một số nguyên tắc cơ bản áp dụng cho từng phân khúc như các đơn vị lữ hành, khách du lịch, các đơn vị cung ứng dịch vụ và vai trò, trách nhiệm của từng thành viên trong chuỗi. Đây được ví như cẩm nang du lịch an toàn được vận dụng từ chủ trương phòng chống dịch theo tiêu chí 5K của Bộ Y tế nhằm phù hợp với tình hình thực tế của ngành du lịch được cụ thể hóa ở từng khâu.
Theo đó, du khách phải khai báo y tế trực tuyến, kiểm tra thân nhiệt, đeo khẩu trang trong suốt hành trình; khử khuẩn phương tiện vận chuyển trước khi phục vụ khách; có khu vực tiếp khách riêng cho từng đoàn ở mỗi cơ sở lưu trú; nhà hàng phải tuân thủ số lượng khách được phục vụ theo hướng dẫn của cơ quan y tế; điểm tham quan phải có nước rửa tay….
Về giải pháp kích cầu khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, Hiệp hội Du lịch TPHCM cho biết: đã có văn bản gửi đến Sở VH,TTDL, Hiệp hội du lịch các tỉnh/thành để phối hợp, tạo kết nối và giới thiệu các sản phẩm chủ lực ở mỗi địa phương, qua đó xây dựng chính sách khuyến mãi theo từng giai đoạn. Dự kiến, trong tháng 3, chính sách khuyến mại kích cầu sẽ được tung ra thị trường.
Tại buổi tọa đàm, đại diện các công ty du lịch cho rằng, nên đẩy mạnh giới thiệu Việt Nam - điểm đến an toàn để sẵn sàng đón khách quốc tế trở lại khi mà Việt Nam đã kiểm soát khá tốt dịch Covid-19. Theo bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó TGĐ Công ty Du lịch Vietravel, các cơ quan quản lý nhà nước cần chú tâm thực hiện tốt hơn nữa các biện pháp an toàn và chú ý truyền thông an toàn đến bạn bè các nước trên thế giới biết “Việt Nam là điểm đến an toàn”. Theo bà Hoàng, hiện nay, ngành du lịch một số nước trong khu vực đã gửi thông điệp đến các đối tác tiềm năng ở Việt Nam về sự an toàn điểm đến như: SG Clean (Singapore Sạch), Amazing Thailand Safe and Health (SHA), Malaysia thì có thông điệp “Clean and Safe”, Indonesia thì chọn slogan “I do Care”. “Có nghĩa là tất cả các nhóm ngành như nhà hàng, khách sạn, điểm đến tham quan đều được dán bảng SG Clean. Từ đó, tới khi thị trường mở cửa, những cơ sở, dịch vụ đã hoàn tất và khách hàng của chúng ta cứ như thế họ sẽ an tâm khi đi đến du lịch ở nước bạn trong thời điểm này. Hầu như các nước trong khu vực đều chọn các thông điệp và đưa lên các cơ quan truyền thông. Thái Lan cũng chuẩn bị đón một lượng khách lớn, dự kiến từ tháng 10 tới, khi đất nước mở cửa đường bay thương mại thì họ đã sẵn sàng đón khách", bà Hoàng nói.
Một số doanh nghiệp cũng tiếp tục ý kiến, đề xuất Chính phủ có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trong việc vay vốn, cho thuê mặt bằng, giảm thuế, giãn thuế, Bảo hiểm xã hội…. Tại tọa đàm, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, PGĐ Sở Du lịch TPHCM cho hay: một số ý kiến đề xuất thuộc thẩm quyền Thành phố giải quyết, sở sẽ gửi đến UBND TP, còn các ý kiến vĩ mô trực thuộc Trung ương sẽ gửi lên UBND TPHCM, Bộ VHTTDL, Chính phủ đề có hướng tháo gỡ phù hợp. Về bộ tiêu chí an toàn, bà Hiếu cho rằng: “Bộ tiêu chí an toàn của Sở Du lịch thma mưu UBND TP ban hành có 10 tiêu chí an toàn. Quy trình tổ chức du lịch an toàn gần như nằm trong nội dung bộ tiêu chí đó và chỉ được cụ thể hóa hơn cho phù hợp với hoạt động du lịch một cách rõ ràng, cụ thể. Chúng ta ban hành quy trình trong nội bộ thành viên của Hiệp hội và xem nó như là cẩm nang hoạt động của các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện quy trình an toàn đối với du khách, doanh nghiệp cũng như các chuỗi dịch vụ liên quan”.