3 tour du lịch liên tuyến được ra mắt dịp này chọn lọc những dấu ấn đặc trưng của từng địa phương để giới thiệu cho du khách và gắn kết các điểm thông qua một chủ đề xuyên suốt như: “Hành trình kết nối di sản UNESCO Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Hà Giang - Cao Bằng - Lạng Sơn”; “Huyền thoại sông Gâm và con đường di sản cách mạng Việt Bắc” và tour du lịch “Từ chiến khu Cách mạng Tân Trào đến Mặt trận biên giới Vị Xuyên”.
Có thể nói, đây là 3 sản phẩm du lịch chuyên biệt đầu tiên mà 6 tỉnh trong vùng Việt Bắc phối hợp thực hiện. Việc chính thức hình thành và công bố các sản phẩm du lịch vùng Việt Bắc đặt kỳ vọng sẽ góp phần mở ra cơ hội đa dạng hóa các sản phẩm, làm phong phú thêm điểm đến, qua đó góp phần khẳng định thương hiệu chung của du lịch 6 tỉnh Việt Bắc đối với du khách trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, các ý kiến trao đổi tại sự kiện của lãnh đạo các địa phương cũng như các doanh nghiệp du lịch đều nhìn nhận để 3 tuyến điểm này được triển khai thuận lợi, trước hết cần phải khắc phục khó khăn về giao thông.
Ông Lê Hải Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết: “Kết nối trong vùng giữa các địa phương không gì khác ngoài đường bộ với nhiều đèo núi. Mặc dù đường bộ đẹp, độc đáo nhưng thực sự khó kết nối. Trong 3 tuyến mới này, Cao Bằng có đẩy mạnh việc kết nối với Tuyên Quang. 2 tuyến mới này doanh nghiệp lữ hành chỉ kết nối được 1 trong hai tỉnh hoặc là Cao Bằng hoặc là Bắc Kạn chứ không thể nào có cả vì giao thông đi lại mất khá nhiều thời gian. Do đó chúng tôi xác định, giải quyết căn bản về giao thông thì mới giúp du lịch 6 tỉnh trong vùng cất cánh”.
Rõ ràng, Việt Bắc là nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên bản sắc văn hóa đặc trưng ở khu vực này không giống với các vùng miền khác. Đây là lợi thế để xây dựng những sản phẩm du lịch có sức độc đáo riêng có. Ngoài ra, Việt Bắc cũng có nhiều di tích lịch sử độc đáo gắn với sự hình thành và phát triển của cách mạng Việt Nam như Chiến khu Việt Bắc với ATK Tân Trào, ATK Định Hóa, Chợ Đồn, Pác Pó - Cao Bằng…
Những địa danh đó là tiềm năng tốt để xây dựng các sản phẩm du lịch trong vùng, nhưng trên thực tế việc phát triển du lịch chưa như mong muốn.
Bên cạnh khó khăn về thiếu thốn hạ tầng dịch vụ, đội ngũ nguồn nhân lực, ông Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn kiến nghị: “Các tỉnh trong vùng cần chủ động phát triển hạ tầng giao thông. Hiện nay, giao thông dọc nối giữa các tỉnh với Thủ đô Hà Nội đã khá tốt. Như Lạng Sơn cũng đã có cao tốc, Bắc Kạn cũng đang hoàn thiện nốt 35km cuối của đường cao tốc lên đến tỉnh. Hà Giang cũng đã có rồi, riêng Bắc Kạn - Cao Bằng chưa hoàn thiện. Muốn liên kết 6 tỉnh này thì giao thông ngang của các tỉnh phải cải thiện”.
Ông Đặng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang cho biết, nhận thấy được thách thức đặt ra từ giao thông, địa phương đã đưa du lịch vào làm 1 trong 3 nội dung đột phá chiến lược trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong đó, tập trung vào du lịch, như đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông.
Hiện tại, Chính phủ đang trình Quốc hội dự án cao tốc Phú Thọ - Tuyên Quang - Hà Giang là điều đáng mừng. Khách du lịch quốc tế hiện giờ họ không ngại đi xa nữa mà họ ngại mất thời gian cho đoạn đường khó khăn. Do đó, chúng tôi quyết định đầu tư toàn bộ cho giao thông.
Ông Khánh nói thêm: “Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang đã cắt bỏ vài chục dự án thuộc các lĩnh vực thủy điện, khoáng sản để dồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông. Đây là đột phá đầu tiên của tỉnh. Bởi vì chúng tôi xác định, trong thời điểm này, nếu ưu tiên cho du lịch thì các lĩnh vực khác phải dừng lại. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch sẽ đem lại nhiều lợi ích khác nhau, trong đó, đặc biệt là làm thay đổi tư duy của bà con đồng bào dân tộc trong vùng cao, từng bước cải thiện sinh kế thì chúng tôi phải tập trung đầu tư. Thứ hai là phát triển đặc trưng hàng hóa gắn với phát triển du lịch, giữ gìn bản sắc văn hóa”.
Xem thêm: Liên kết du lịch TPHCM và 8 tỉnh Tây Bắc góp phần phục hồi cho ngành du lịch sau Covid-19
Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, các địa phương trong vùng Việt Bắc cần nhìn nhận, đánh giá một cách toàn diện: liệu rằng khó khăn giao thông có phải là khó khăn lớn nhất hay không khi mà sân bay chưa có và đường thủy không phải là thế mạnh; phân khúc, trạm dừng chân như thế nào để du khách dừng nghỉ cho hợp lý, điểm nào có thể làm cơ sở đón khách quốc tế hay nội địa…
Tất cả những vấn đề này cần phải được phân tích thấu đáo để thu hút đầu tư. Có như thế mới phát huy tốt thế mạnh và đem lại hiệu quả đầu tư, phát triển du lịch liên vùng trong tương lai.
Tại hội thảo, các doanh nghiệp du lịch cũng đề xuất nhiều giải pháp, kiến nghị như tăng cường tuyên truyền về ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường cho người dân ở các điểm du lịch để giữ gìn cảnh quan môi trường, bảo vệ sự phát triển bền vừng của di tích, cảnh quan; tập trung đẩy mạnh truyền thông quảng bá, giới thiệu điểm đến của 6 tỉnh trong vùng để tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ; chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, tránh trùng lắp để thu hút du khách quay trở lại nhiều hơn.