Du lịch nội địa nước ta đã có tín hiệu phục hồi tích cực được ghi nhận từ 2 đợt nghỉ lễ (lễ Giỗ tổ Hùng Vương và 30/4 - 1/5).
Theo đó, từ đầu năm đến nay, cả nước đón gần 36,5 triệu lượt khách, trong đó riêng tháng 4, con số này đạt mức 10,5 triệu lượt. Các địa phương trọng điểm về du lịch, nghỉ dưỡng như Đà Lạt, Nha Trang, Quảng Bình, Đà Nẵng, Hạ Long, Cần Thơ… đều đón và phục vụ số lượng khách tăng cao nhất kể từ sau khi gỡ bỏ giãn cách, trở lại trạng thái bình thường mới trên phạm vi cả nước; Tổng doanh thu toàn ngành đạt mức 150 ngàn tỷ đồng.
Dù vậy, sự kỳ vọng của các doanh nghiệp du lịch vẫn phụ thuộc vào dòng khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam (khách inbound), vì đây là dòng khách có mức chi tiêu cao, thời gian lưu trú dài ngày. Tuy vậy, hiện nay việc đón khách từ thị trường này vẫn không hề dễ dàng vì còn nhiều rào cản.
Trong 4 tháng đầu năm nay, Việt Nam đón khoảng 92.400 lượt khách du lịch quốc tế. Trong đó, riêng tháng 4, con số này là 70 ngàn lượt, xấp xỉ 77%. Điều đó cho thấy, ngay sau khi Chính phủ mở cửa các hoạt động du lịch quốc tế, các hoạt động giao thương được nối lại, lượng khách quốc tế vào Việt Nam đã từng bước phục hồi.
Tuy nhiên, các công ty du lịch cho hay, du khách đi theo tour truyền thống hiện rất ít mà chủ yếu đi tour tự túc. Thêm vào đó, xu hướng của du khách nước ngoài cũng có sự thay đổi. Thay vì dành nhiều thời gian tại các đô thị lớn, hiện nay, các nhóm chỉ xem đây là điểm trung chuyến vào Việt Nam để từ đó đi về các vùng quê để trải nghiệm như Phong Nha (Quảng Bình), Mèo Vạc, Đồng Văn (Hà Giang), Đầm Chuồn, Lăng Cô, Phá Tam Giang (Thừa Thiên Huế)…
Ông Trần Quang Hào, Giám đốc Huế Tourist cho biết, trước dịch, đây là những địa điểm luôn nằm trong hành trình khám phá di sản miền Trung của khách du lịch Pháp. Thường du khách sẽ có nửa ngày để tìm hiểu và trải nghiệm hệ sinh thái đầm, phá và thưởng thức hải sản thiên nhiên của Huế. Bây giờ, các hoạt động xúc tiến đang được công ty này nối lại thông qua các kênh online hoặc các đại lý chính ở thị trường nguồn. Đồng thời tiếp tục chuẩn bị kế hoạch để tham dự các Hội chợ du lịch quốc tế tại Berlin (Đức), Pháp để tiếp cận lại nguồn khách : "Số lượng khách đến Đầm Chuồn khoảng 100 -150 khách/ngày trước dịch và khá ổn định, nhưng sau dịch chúng tôi đã mất hết nguồn khách này và chuyển sang khai thác loại hình du lịch tại chỗ staycation cho khách Việt.
Du khách bây giờ cũng biết đến, thăm thú, đam mê trải nghiệm đánh bắt cá trên Đầm Chuồn, chèo súp hay tham gia bắt cá trong các nò, chài lưới. Khách trong nước hiện tại khá ổn định".
Bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc Tiếp thị và Truyền thông Công ty du lịch Fiditour - Vietluxtour cho hay, trước kia, đơn vị thường làm tour MICE cho các đối tác từ thị trường các nước, kể cả bằng đường không, đường biển, nhưng hiện tại, vẫn chưa nhận được hợp đồng nào lớn, chủ yếu là khách gửi nhỏ lẻ từ một số đơn vị quen thuộc trước đây. Những đoàn khách hội thảo, chuyên đề từ Đông Bắc Á vẫn chưa được nối lại bởi nhiều chính sách vẫn còn vướng.
Là đơn vị chuyên thị trường khách Nga truyền thống, trung bình mỗi năm Pegas Misr Travel Vietnam đón và phục vụ khoảng 172.000 lượt khách inbound từ thị trường này, thế nhưng hơn 2 năm qua, mọi hoạt động phải tạm thời ngưng lại.
Bà Hoàng Thị Phong Thu, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty này nhớ rõ: trước đây, mỗi ngày, đơn vị của mình đều có một chuyến bay đem theo từ 300 - 400 khách Nga vào Việt Nam, cao điểm có ngày 3 - 4 chuyến bay.
Thế nhưng, kể từ ngày 20/3/2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Chính phủ đóng cửa các chuyến bay thương mại quốc tế, công ty cũng ngừng đem khách vào Việt Nam. Khó khăn đó chưa phải đã hết : "Khi dịch Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát tốt thì xung đột giữa Nga - Ukraine diễn ra, coi như thị trường Nga hoàn toàn đóng cửa".
Việc khôi phục hoạt động đưa khách quốc tế vào Việt Nam (inbound), đặc biệt là các thị trường xa hiện nay còn gặp khó khăn khác đó là giá thành cao.
Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Vietravel cho rằng, hiện tại số chuyến bay quốc tế đến Việt Nam còn hạn chế. Điển hình, hiện nay mới có 1 chuyến bay thẳng từ Đức, Pháp đến Việt Nam với tần suất 1 chuyến/tuần, còn lại phải bay quá cảnh qua Thổ Nhĩ Kỳ, Doha, Singapore, UAE.. : "Việc tìm kiếm các chuyến bay đến Việt Nam hiện cực kỳ khó khăn. Ví dụ các chuyến từ Mỹ về, hiện tại có 4 chuyến/tuần, bay từ Fan Francisco, còn lại phải quá cảnh sang Nhật, Hàn. Chính vì vậy, việc đón khách quốc tế vẫn còn khó khăn. Chúng tôi đang cố gắng tìm kiếm các đường hướng, tập trung vào nguồn khách từ thị trường gần, dễ dàng tiếp cận như Đông Nam Á, Đông Bắc Á".
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Toản, Giám đốc Công ty Du lịch Image Travel chia sẻ, các hãng hàng không hiện vẫn dè dặt nối lại các chuyến bay định kỳ trước đây khiến việc xây dựng tour bị đội giá lên rất cao do không tìm ra được giá vé máy bay giá tốt. Khách của công ty hiện chỉ có một số ít, đi theo nhóm nhỏ, trong khi trước dịch, mỗi năm đơn vị này phục vụ cho khoảng 10 ngàn lượt khách Châu Âu, riêng khách Mice chiếm khoảng 20%. "Các hãng hàng không không dám đặt chuyến nhiều vì sợ không có khách. Điều đó làm khách không dám đi du lịch vì giá vé máy bay rất cao. Khi nào có đủ 7 chuyến/tuần của tất cả các hãng hàng không thì lúc đó sẽ đông khách, giá cũng rẻ thì làm du lịch mới có lãi".
Nếu các điểm đến như Đầm Chuồn, Phá Tam Giang, Hội An, Nha Trang…đang dần thay đổi chính sách tiếp cận khách, từ thị trường khách quốc tế sang loại hình staycation thì các đơn vị lữ hành cố gắng khai thác các chuyến bay charter 2 chiều để nâng cao hiệu quả kinh doanh trong bối cảnh rất hiếm các chuyến bay quốc tế như hiện nay.
Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó TGĐ Vietravel cho biết, công ty đang phối hợp với đối tác các nước trao đổi các chuyến bay charter 2 chiều từ Indonesia - TPHCM - Đà Nẵng, Mông Cổ - Việt Nam, Việt Nam - Thái Lan…để gỡ khó cho việc quá ít các chuyến bay quốc tế. Ngoài ra, theo bà Hoàng, chính sách của Nhà nước cũng sẽ góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch trong các trường hợp : "Đây là lúc cần nhất những chính sách tổng thể từ cấp nhà nước trở xuống. Chính sách đó phải rõ ràng từ khâu quảng bá hình ảnh Việt Nam chúng ta để thu hút khách trú đông như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… Thứ hai, đồng hành cũng các công ty du lịch, các hãng hàng không để tham gia các buổi giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đã được chuẩn bị đến bạn bè quốc tế. Hỗ trợ về nội lực cho các công ty du lịch, các hãng hàng không để xây dựng các chính sách kích cầu tốt, thu hút du khách các nước đến với Việt Nam chúng ta".
Năm 2022, Việt Nam đặt mục tiêu đón 5 triệu lượt khách du lịch quốc tế. So với năm 2019, thời điểm chưa xảy ra đại dịch Covid-19 - nước ta đón 18 triệu lượt khách, thì số này rõ ràng là khiêm tốn.
Tuy nhiên, sẽ rất khó đạt được nếu không nhanh chóng đẩy mạnh quảng bá hình ảnh một “Việt Nam an toàn” trên bình diện quốc tế, đồng hành cùng các doanh nghiệp và sớm triển khai các chương trình xúc tiến, kích cầu du lịch, tạo hiệu ứng tích cực về truyền thông để cạnh tranh thu hút du khách với các nước trong khu vực.