Thăm Lăng Kinh Dương Vương- mộ của Thủy tổ dân tộc VIệt Nam

Lăng Kinh Dương Vương đang trở thành địa điểm tham quan du lịch nổi tiếng. Nơi này ngày càng thu hút được nhiều người dân khắp cả nước và du khách ghé thăm.

Sơ nét về Lăng Kinh Dương Vương

Lịch sử hình thành

Kinh Dương Vương, theo truyền thuyết, là thủy tổ của dân tộc Việt Nam, Kinh Dương Vương tên húy là Lộc Tục, là cháu ba đời của Viêm Đế họ Thần Nông. Từ nhỏ đã có khí chất và thông minh hơn người, nên được vua cha yêu thương và muốn nhường ngôi. 

Song Lộc Tục lại là một người con hiếu thảo nên nhường ngôi cho anh là Đế Nghi. Vua cha bèn chia đất nước làm hai, giao cho Đế Nghi làm vua phương Bắc, Lộc Tục làm vua phương Nam.

Sau này Vua Kinh Dương Vương lấy con gái vua hồ Động Đình sinh ra Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy vợ là Âu Cơ, sinh ra được một trăm trứng nở ra trăm người con trai. Hai người từ biệt nhau, 50 con theo mẹ lên núi, 50 con theo cha về biển. Con cả được Lạc Long Quân phong làm Hùng Vương. Các Vua Hùng từ đó cai quản đất nước nối tiếp nhau đến 18 đời…

Lăng Kinh Dương Vương như một biểu tượng do người dân dựng nên ở nơi có địa thế đẹp và phong thuỷ tốt. 

Kiến trúc khu lăng mộ Kinh Dương Vương

Vì tồn tại quá lâu đời, khi đến thời Pháp thuộc thì nó trở nên mục nát và hoang phế. Mãi đến năm 1971, công trình này mới được cải tạo lại bởi cư dân địa phương.

voh.com.vn-lăng-inh-duong-vuong-anh-0

Năm 2013 lăng Kinh Dương Vương được trùng tu (Nguồn: Internet)

Đến năm 2013, tỉnh Bắc Ninh đầu tư xây dựng lại công trình này khiến nó trở thành công trình quốc gia. Lăng mộ Kinh Dương Vương nằm trên một nền đất cao có đường lát đá gồm nhiều cấp dẫn vào. 

Lăng có 8 mái “hai tầng mái”, trước cửa lăng mộ có 3 bệ thờ, trên đường vào về phía tay phải khu lăng mộ có ngôi nhà để du khách sắp lễ. Khuôn viên khu lăng mộ rộng hàng chục nghìn mét vuông, bao gồm nhà khách, các Văn chỉ, Võ chỉ ở hai bên sân trước, được bao phủ bởi nhiều cây xanh, còn có nhiều công trình khác.

 Lăng Kinh Dương Vương ở đâu?

voh.com.vn-lăng-inh-duong-vuong-anh-1

Lăng Kinh Dương Vương thuộc thôn Á Lữ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh (Nguồn: Internet)

Từ thành phố Bắc Ninh xuôi đường 38 đến Cầu  Hồ khoảng 12km. Đến ngã tư Song Hồ khoảng 500m, rẽ phải dọc theo đê sông Đuống chừng 5km đến thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành- nơi có đền thờ và lăng Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân – Âu Cơ. 

Nơi này đã được được xây dựng từ lâu đời và được tu bổ lập bia năm Minh Mệnh thứ 21(1840). Khu lăng Kinh Dương Vương tạo một không khí uy nghiêm, cổ kính. Vì nó nằm ở ngoài đê bao quanh là các cây đại thụ, cách đó 500m là dòng sông Đuống tịch mịch chảy ngang. 

Nhằm tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống của vùng quê Bắc Ninh, lễ hội Kinh Dương Vương được tổ chức hàng năm vào dịp đầu mùa xuân. Nếu muốn viếng lăng nên đi vào khoảng thời gian này sẽ rất đông vui. Bạn có thể dễ dàng thưởng thức tất cả các nghi thức từ thờ cúng, nghi lễ, tham gia lễ hội Kinh Dương Vương- mỗi năm chỉ tổ chức 1 lần. 

Đôi nét về lễ hội Kinh Dương Vương

voh.com.vn-lăng-inh-duong-vuong-anh-2

Hàng năm, đông đảo người dân và du khách từ khắp mọi nơi đến tham gia lễ hội (Nguồn: Internet)

Thời gian diễn ra lễ hội khoảng 6 ngày. Trong ngày đầu tiên diễn ra lễ hội (ngày 14/1 âm lịch). Các bô lão trong làng chọn ra một người trai tráng, khoẻ mạnh, đi thuyền ra giữa dòng sông Đuống múc nước về dùng làm lễ tại đền thờ và lăng Kinh Dương Vương trong suốt những ngày diễn ra lễ hội. Hành động rước nước này có ý nghĩa như lời mời đức Thủy tổ về chứng kiến cuộc sống của con cháu nhân dân cả nước, phù hộ cho thiên hạ thái bình, ấm no.

Một vài điểm độc đáo trong lễ hội Kinh Dương Vương

Lễ hội Kinh Dương Vương có hai phần: phần lễ và phần hội. Cụ thể các ngày như sau:

  • Ngày 14/1 phần lễ diễn ra, bắt đầu bằng việc cư dân thôn Á Lữ tổ chức lễ đón nước. Đoạn nước giữa sông được lấy lên để dùng xuyên suốt cho 6 ngày diễn ra lễ hội.

voh.com.vn-lăng-inh-duong-vuong-anh-3

18/1 âm lịch là ngày diễn ra lễ hội chính (Nguồn: Internet)

  •  15/1, khi các làng gần đó rước các thành hoàng làng vào đền và lăng thì mới có thể làm lễ bái yết vua Kinh Dương Vương. 

  • 16/1, dân làng tổ chức lễ rước kiệu vua Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ làm lễ ở lăng mộ.

voh.com.vn-lăng-inh-duong-vuong-anh-4

Kiệu rước vua thủy tổ Kinh Dương Vương (Nguồn: Internet)

  • 17/1, tổ chức rước bài vị thành hoàng Tam công Đồng Đoài về bái yết vua thuỷ tổ.

  • 18/1, tiến hành lễ rước vua thuỷ tổ, Lạc Long Quân và Âu Cơ từ lăng Kinh Dương Vương trở về đền thờ. Trong ngày này, các vị già làng tổ chức lễ tế cầu mưa thuận gió hòa, nhân khang vật thịnh, Quốc thái dân an. Đây là ngày diễn ra lễ chính, vật phẩm dùng để dâng lên bề trên gồm: một con lợn đực và một con gà trống.

  • 19/1, tiến hành nghi thức Tống ruột, trả nước về sông và kết thúc lễ hội.

Ngoài ra, còn phải hội tụ đủ ngũ phẩm bao gồm: gạo, nước, lửa, hương và hoa. Đặc biệt nữa là sự xuất hiện của ba mâm cá gỏi. Cá làm gỏi phải sạch sẽ, rửa bằng rượu và trộn nước lá thơm. Ba mâm cá mang ý nghĩa là vật phẩm của người con trai xuống biển đánh cá mang về dâng lên cha mẹ.

Di tích lịch sử đền thờ và lăng Kinh Dương Vương khẳng định Bắc Ninh là vùng đất người Việt cổ đã sớm ngụ cư – là cái nôi đất tổ của người Việt. Ngày nay lăng Kinh Dương Vương đang trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng thu hút đông đảo du khách và những đứa con Việt viếng thăm hàng năm.

Điều đó làm phong phú thêm kho tàng lịch sử xứ Bắc cổ kính và văn hiến; sáng rõ thêm cội nguồn dân tộc Việt Nam.

Nhà tù Hỏa Lò - Nơi khắc ghi dấu tích lịch sử 'dã man' của thực dân Pháp: Nhà tù Hỏa Lò, nơi được mệnh danh là “địa ngục của địa ngục” trong thời gian thực dân Pháp đô hộ nước ta.
Động Ngườm Ngao – Vẻ đẹp thiên nhiên ban tặng mảnh đất Cao Bằng: Cao Bằng là địa danh ghi dấu nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, trong đó có Động Ngườm Ngao. Cùng tìm hiểu chi tiết về động này qua bài viết dưới đây. 
Bình luận