Với 18 tham luận, 13 phát biểu tại hội trường, hội thảo này đã phần nào khái quát được thực trạng hiện tại của âm nhạc thiếu nhi và những giải pháp thiết thực để đưa nhạc thiếu nhi đến một bước phát triển mới.
Thông qua Hội thảo này, các nhà thiếu nhi – những nơi tiêu thụ lượng lớn các sáng tác thiếu nhi và phổ biến rộng rãi trong các hội thi hội diễn cũng đã tìm được nguồn cung cấp bài vở dồi dào từ các nhạc sĩ, trong khi các nhạc sĩ cũng tìm được đầu ra cho các sáng tác tâm huyết của mình.
Một sáng kiến được nhiều khách mời quan tâm nhất chính là thư viện nhạc thiếu nhi mà ở đó, các nhạc sĩ sẽ đóng góp sáng tác vào kho tư liệu chung và đây sẽ là nguồn tư liệu mở để đáp ứng nhu cầu thưởng thức, giảng dạy của các nhạc sĩ, phụ huynh và thiếu nhi. Dù chỉ mới là những kiến nghị bước đầu nhưng tất cả khách mời đều vô cùng tâm huyết và quyết tâm thực hiện sáng kiến này.
Nhạc sỹ Trương Quang Lục phát biểu tại hội thảo.
Đánh giá thêm về sự thành công của hội thảo, nhạc sĩ Nguyễn Quang Vinh – Phó chủ tịch Hội Âm nhạc TP.HCM cho biết: “Các nhạc sĩ đã nhìn nhận được sóc độ sáng tác của mình hiện nay với các em ra sao. Trong khi đó Nhà thiếu nhi các quận huyện có các đề xuất hết sức thiết thực để sự kết nối giữa bên cung và bên cầu tìm được tiếng nói chung. Sau Hội thảo chúng tôi sẽ làm việc tiếp với các đơn vị để cùng phối hợp với nhau, đưa nhạc thiếu nhi phát triển, như cách mà Hội Âm nhạc và Đài TNND TP.HCM đã phối hợp trong thời gian vừa qua…”.
Tuy nhiên, cũng khá đáng tiếc khi Sở giáo dục và đào tạo Thành phố – đơn vị có ảnh hưởng và vai trò khá quan trọng trong thúc đẩy sự phát triển của âm nhạc thiếu nhi lại vắng mặt. Bởi lẽ, cho dù là Hội Âm nhạc hay các Nhà thiếu nhi có phối hợp với nhau cũng vẫn chỉ là các cách làm manh mún, trong khi để đi đường dài, đường xa bền vững thì cần kênh chỉ đạo và cả cơ chế hỗ trợ mang tính chính quy, có vậy mới mong công cuộc này được đồng bộ và toàn diện.