Quê gốc vốn từ Hải Phòng, khi vửa 1 tuổi, Tân theo gia đình chuyển vào miền đất Tây Ninh lập nghiệp. Hình ảnh cậu bé vừa khóc đòi về nhà cũ, nhưng lại nhanh chóng bi bô những câu hát nhi đồng trên chuyến tàu khách Bắc Nam những năm 80 ấy vẫn ghi mãi trong ký ức của Phạm Tân.
Thích nghe radio từ nhỏ, đến khi lên 7 tuổi, cậu bé Tân đặc biệt rất yêu cải lương dù là cả nhà không ai thích nghệ thuật. Tuy nhiên gia đình luôn vẫn luôn tôn trọng sở thích của con nên không hề ngăn cấm. Thậm chí, cậu còn “trích trữ” cả một kho báu lên đến 800 cuộn băng cassette chỉ toàn các bài ca cổ.
Dù hiểu và không ngăn cấm đam mê của con, nhưng thật sự gia đình vẫn luôn mong muốn Tân sẽ trở thành một bác sĩ… dù vậy, chàng trai Phạm Tân lại chọn thi vào trường sân khấu, và đậu ngay thủ khoa - Khoa Cải lương (năm 2000). Tuy nhiên, đến năm 2004, Tân chợt nhận ra bản thân mình không hợp với môi trường cải lương khi không thể trả lời được câu hỏi “đi tiếp con đường này nhưng có đủ sống, có thành công không khi cải lương đang thoái trào ?”. Dẫu đau, dẫu tiếc nuối nhưng anh buộc phải chấp nhận từ bỏ đam mê cải lương để có thu nhập phụ giúp gia đình.
Sau một thời gian chật vật, Phạm Tân quay về trường Sân khấu học tiếp ngành đạo diễn sân khấu, quá trình học cũng lá một quá trình nỗ lực để đạt được kết quả xuất sắc nhận được học bổng của trường.
Và, với con “đường vòng” suốt 7 năm học trường sân khấu đã truôi rèn ra một Phạm Tân biên kịch của hôm nay.
Nhà biên kịch Phạm Tân bắt đầu hành trình khẳng định mình bằng kịch bản “Cuộc chơi nghiệt ngã” - sân khấu kịch Idecaf. Một vở kịch với nội dung mang tính đột phá xã hội, đề cập đến việc thụ tinh nhân tạo, hiến tinh trùng.
Tiếp tục khẳng định tay nghề, Phạm Tân chuyển thể một vở cải lương trở thành vở kịch ma “Giếng lạ” – vở diễn cháy vé sân khấu kịch Hồng Vân, sau đó được diễn ở Nhà hát lớn Thành phố. Ngoài ra, Tân còn tham gia viết kịch bản cho chương trình Live show “Bao Công Kỳ Án” cho nghệ sĩ Hoài Linh diễn tại sân khấu Trống Đồng và tiếp tục diễn ở Sân khấu Hòa Bình thêm 10 buổi nữa.
Đến giai đoạn phim truyền hình nở rộ, Phạm Tân bắt đầu tham gia viết kịch bản phim. “Cổng mặt trời” là bộ phim đầu tay Tân tham gia viết cùng 1 số bạn, với độ dài hơn 60 tập.
Hiện nay, cái tên “Phạm Tân biên kịch” đã trở thành thương hiệu. Nhiều kịch bản phim, các nội dung quảng cáo, viral đều có dấu ấn của Tân và nguồn thu nhập từ những công việc ấy đủ để đảm bảo cho anh có thể tập trung vào những dự án sáng tạo mang tính nghệ thuật.
Nói về đam mê của mình, Tân cho biết anh là người yêu lịch sử, thích viết kịch bản liên quan đến lịch sử. Với quan niệm kịch bản sử là điều tâm huyết, nên cứ viết và dành thời gian, để giữ đúng cái hồn của sử cần sự đam mê chứ không quá lệ thuộc vào chuyện kinh tế. Và đến nay, gia tài các tác phẩm lịch sử diễn giải đã lên đến con số 15. Được biết, dự án sắp đến của Phạm Tân cũng là một tác phẩm viết về công nữ Ngọc Vạn – con gái của chúa Sải Nguyễn Phúc Nguyên.
“Trong thời hiện đại, sáng tác về lịch sử vẫn hấp dẫn nhưng phải tôn trọng lịch sử. Kịch bản lịch sử thường kén khán giả, nhất là với khán giả trẻ, cho nên cái chính là cách kể của người viết kịch bản và bàn tay đạo diễn” – Nhà biên kịch Phạm Tân.