Cần đầu tư và quan tâm hơn đến điều kiện làm nghề cho văn nghệ sĩ

(VOH) - Sáng 19/1, lãnh đạo TPHCM gặp gỡ với đông đảo văn nghệ sĩ thuộc lĩnh vực nghệ thuật truyền thống để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng,...

Đồng thời, lắng nghe những hiến kế của văn nghệ sĩ để thúc đẩy cho nghệ thuật truyền thống phát triển hơn, nghệ sĩ an tâm làm nghề và hấp dẫn công chúng hơn.

Với chủ đề “TPHCM bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống; tìm hướng đi mới cho nghệ thuật kịch nói trong xu thế hội nhập và phát triển”, văn nghệ sĩ của nhiều loại hình nghệ thuật như: cải lương, kịch nói, hát bội, đờn ca tài tử, múa rối nước… đã bày tỏ nhiều nỗi khó khăn, trở ngại họ gặp phải trong quá trình giữ gìn, phát triển các loại hình nghệ thuật này.

Họ cho rằng, khi mà cơ hội và cánh cửa làm nghề ngày càng ít đi, không có sân khấu để biểu diễn thì họ làm sao để giữ nghề, lan tỏa nghề và giữ chân khán giả.

Cần đầu tư thiết thực và quan tâm hơn đến điều kiện làm nghề cho văn nghệ sĩ

Nghệ sĩ Kim Xuân trăn trở về những khó khăn mà kịch nói TPHCM đang gánh suốt nhiều năm nay. Ảnh: VOV

Không chỉ thiếu cơ sở vật chất, sân khấu phù hợp, thiếu kịch bản chất lượng và nguồn thu không đảm bảo là điều khiến nhiều nghệ sĩ dù tâm huyết cũng khó bám nghề.

Bà Dương Thị Liên Chi – Nguyên Trưởng phòng văn hóa văn nghệ Ban tuyên giáo Thành ủy đề cập nhiều đến vai trò của các nhà quản lý văn hóa, vì lực lượng này sẽ giúp cho các hoạt động sân khấu nói chung hiệu quả và có định hướng hơn, nhưng thời gian qua có vẻ như công tác này chưa thật sự được quan tâm lắm.

Quả thật không có điều kiện làm nghề, không có được môi trường để hoạt động, không có đời sống kinh tế ổn định để an tâm sáng tạo thì làm sao làm ra những tác phẩm hay.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của hàng loạt đơn vị xã hội hóa cải lương, kịch nói TPHCM thời gian quan đã góp phần mang đền nhiều đêm sáng đèn hơn cho sân khấu, thế nhưng họ đang làm nghề ra sao, đang gồng mình như thế nào và đến lúc nào sẽ phải buông tay nếu như cứ phải “bơi” một mình như thế này.

Nhiều đơn vị đang gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách nên thua lỗ thường xuyên, khó gắn bó lâu dài. Vì vậy, nhiều văn nghệ sĩ cho rằng, bên cạnh những chính sách về gìn giữ nghệ thuật truyền thống, ươm mầm tài năng trẻ, thành phố cần có sự quan tâm thiết thực hơn cho lực lượng nghệ sĩ hiện tại. 

Cần đầu tư thiết thực và quan tâm hơn đến điều kiện làm nghề cho văn nghệ sĩ

Đạo diễn Hoa Hạ bày tỏ nhiều trăn trở với nghệ thuật cải lương hiện nay. Ảnh: VOV

Theo đạo diễn Hoa Hạ, một trong những nghệ sĩ tâm huyết với nghệ thuật truyền thống, lãnh đạo thành phố muốn bảo tồn và phát triển các loại hình này thì phải xắn tay vào làm ngay chứ đừng nói suông.

Để nghệ sĩ các loại hình nghệ thuật an tâm sáng tác, biểu diễn, để sân khấu hấp dẫn được công chúng và để ekip sáng tạo có được nhiều tác phẩm đỉnh cao thì hơn lúc nào hết cần cho họ những điều kiện thật tốt để làm nghề, để thăng hoa và có đủ niềm tin để truyền lửa nghề cho thế hệ tiếp theo.