Hình ảnh nữ sĩ tài hoa Sương Nguyệt Anh dưới nét vẽ của Camelia Phạm đã xuất hiện trên trang chủ tìm kiếm Google trong hôm nay.
Vào ngày này năm 1981, Nữ giới chung ra số đầu tiên và bà Sương Nguyệt Anh trở thành nữ chủ bút đầu tiên trong lịch sử báo chí Việt Nam.
Nữ giới chung là tờ tuần báo, xuất bản ngày thứ sáu, số đầu tiên vào thứ sáu, ngày 1/2/1918, số cuối ra ngày 19/7/1918. Tờ báo tồn tại được 5 tháng 19 ngày, ra được 22 số.
Sương Nguyệt Anh tên thật là Nguyễn Thị Khuê, sinh ngày 8/3/1864 tại xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Bà là con gái thứ tư của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu - là một nhà thơ và cũng là người thầy dạy bà đọc và viết bằng cả chữ Hán và chữ Nôm.
Mẹ là bà Lê Thị Điền, người làng Thanh Ba thuộc huyện Cần Giuộc. Bà Sương Nguyệt Anh qua đời năm 1921. Ngoài bút hiệu Sương Nguyệt Anh, bà còn ký nhiều tên khác như: Xuân Khuê, Nguyệt Nga, Nguyệt Anh.
Sương Nguyệt Anh từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh. Vì gia đình đông người, cha lại bị mù nên bà vừa phải chăm lo việc gia đình, vừa giúp đỡ cha làm thuốc. Ban ngày, bà thường xem cha dạy học và chữa bệnh, ban đêm bà đọc sách, tập làm thơ.
Người chị của bà là Nguyễn Thị Kim Xuyến cũng học giỏi, hay chữ và có tài làm thơ từ nhỏ. Hai chị em thường được cha bày cho cách đọc sách và thơ phú. Cả hai nổi tiếng tài sắc, được người quanh vùng ca tụng gọi là Nhị Kiều.
Mấy chục năm tiếp theo là quãng thời gian bi thảm đối với Nguyệt Anh. Cha bà qua đời khi bà 24 tuổi. Bà và anh trai tiếp quản trường học của ông để dạy cho người dân địa phương. Sau đó, Bà chuyển đến Rạch Miễu, thành phố Mỹ Tho, kết hôn và sinh một cô con gái. Hai năm sau, chồng bà qua đời.
Bà trở thành nữ tổng biên tập đầu tiên của Việt Nam khi bắt đầu viết cho báo Nữ Giới Chung ở Sài Gòn với bút danh Sương Nguyệt Anh, nghĩa là “Nguyệt Anh góa bụa”. Nhiều số báo nói về vai trò của phụ nữ trong văn hóa và xã hội Việt Nam.
Sương Nguyệt Anh được nhớ đến với trí tuệ và nhân cách trong sáng, cũng như sự kiên cường vượt qua nghịch cảnh. Bà là người tiên phong cho các nhà văn và biên tập viên nữ ở Việt Nam và mở đường cho các thế hệ sau.
Camelia Phạm - người thực hiện Doodle này cho biết: Cô rất vinh dự là một trong những họa sĩ minh họa được thực hiện một trong những chủ đề Doodle chọn lọc của Việt Nam. Bức vẽ được lấy cảm hứng từ những bài thơ mà Sương Nguyệt Anh viết - để đáp lại những lời tỏ tình của nhiều người đàn ông dành cho cô ấy.
“Tôi cố gắng tìm những biểu tượng hình ảnh trong một trong những bài thơ nổi tiếng nhất của bà, bài thơ có hình hoa mai, để đưa vào hình minh họa. Tôi cũng kết hợp phong cách đồ họa phẳng với màu sắc hoài cổ, giúp tăng thêm cảm giác hoài cổ nhưng vẫn giữ được nét hiện đại” - Camelia Phạm nói.
Sương Nguyệt Anh là một nhà nữ quyền trước khi thuật ngữ 'feminist' thực sự tồn tại. Cô ấy đã tích cực cố gắng phá bỏ rào cản bằng cách có tờ báo riêng dành cho phụ nữ. Tôi đang cố gắng thể hiện quyết tâm và ý chí mạnh mẽ đó thông qua biểu cảm của cô ấy trong hình minh họa.