7 dự án môi trường xuất sắc được chọn từ “Trại thủ lĩnh khí hậu Việt Nam”

(VOH) - Sau khoảng thời gian đánh giá, xem xét kỹ lưỡng, BTC Trại thủ lĩnh khí hậu Việt Nam chọn ra 7 ý tưởng dự án môi trường xuất sắc nhất để tiếp tục bồi dưỡng và tập huấn.

Trước đó, tại Trại Thủ lĩnh Khí hậu 2021, 50 bạn trẻ từ 15 tỉnh thành với 14 dự án nhiệt huyết có cơ hội được học hỏi những kiến thức và kỹ năng thực tế để giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu tại các địa phương nơi các bạn đang sinh sống.

7 dự án môi trường xuất sắc được chọn từ “Trại thủ lĩnh khí hậu Việt Nam” 1
Các nhóm trình bày kết quả thảo luận trong từng buổi học

Vietnam Climate Leadership Camp (VCLC) – Trại Thủ Lĩnh Khí Hậu Việt Nam là một sáng kiến do CHANGE phát động từ năm 2017, với tiền thân là chương trình I am a Climate Citizen (Tôi là Công dân Khí hậu) năm 2013 và Trại Thủ lĩnh Khí hậu Đông Á năm 2015 cũng do CHANGE tổ chức.

VCLC có mục tiêu chính là hỗ trợ các thủ lĩnh khí hậu trẻ tuổi ở các địa phương xây dựng và triển khai các chiến dịch môi trường hoàn thiện và hiệu quả.

Tham gia chương trình, các bạn trẻ sẽ có cơ hội tiếp cận những kiến thức bổ ích về biến đổi khí hậu (BĐKH) cũng như được trau dồi các kỹ năng cần thiết để xây dựng một dự án môi trường khả thi và phù hợp nhu cầu địa phương (như bộ công cụ thiết kế  dự án, kỹ năng phân tích sâu gốc rễ vấn đề, các kỹ năng xây dựng đội nhóm, kỹ năng lãnh đạo, truyền thông, gây quỹ,…).

Đồng thời, CHANGE sẽ hỗ trợ tài chính cho các dự án nổi bật và khả thi để triển khai sau chương trình. Do giãn cách xã hội, giai đoạn 1 của VCLC 2021 đã chuyển hình thức tổ chức gồm 8 buổi tập huấn trực tuyến diễn ra trong tháng 10-11 năm 2021 và một trại trực tiếp.  

Sau một thời gian dài trì hoãn, trại VCLC 2021 đã diễn ra tại Khu dự trữ Sinh quyển Cần Giờ - TPHCM từ ngày 07/01 đến ngày 11/01/2022 cho 50 trại viên trẻ nhiệt huyết và tiềm năng đến từ mọi miền đất nước. Tại đây, các thủ lĩnh trẻ yêu môi trường đã được truyền cảm hứng và kiến thức chuyên môn để thực hiện dự án của nhóm mình.

Ngoài những thông tin cập nhật về tình hình BĐKH trên toàn cầu và tại Việt Nam trong bối cảnh mới về dịch bệnh, các bạn trại viên còn được học về kinh tế tuần hoàn, tiếp cận phương pháp tư duy thiết kế (design thinking), rèn luyện và trau dồi các kỹ năng lãnh đạo, làm việc nhóm, giải quyết khủng hoảng, kể chuyện tạo tác động …, để xây dựng kế hoạch triển khai dự án.

Cuối trại, 13 nhóm đã tham gia buổi thuyết trình về dự án nhằm thuyết phục Ban giám khảo và các nhà tài trợ hỗ trợ cho dự án. Trong buổi “đấu giá” ý tưởng, các nhóm đã trình bày chi tiết về dự án và trả lời các câu hỏi, Ban Giám khảo đã rất tâm đắc các dự án năm nay khi thảo luận và chấm điểm cho các đội.

Kết quả, BTC chọn ra TOP 7 dự án xuất sắc, nổi bật và thực tế nhất nhận được hỗ trợ tài chính lên đến $1,000 và hỗ trợ kỹ thuật, chuyên môn trong giai đoạn triển khai dự án sau này. Các dự án bao gồm:

Dự án “Mặt trời xanh” - AROS Team (Hồng Thiện, Huỳnh Trang, Xuân Thu) với mục tiêu giúp học sinh tiểu học tỉnh Bến Tre, cụ thể là học sinh tại Trường Tiểu học Bình Phú, có hiểu biết về các hiện tượng liên quan đến BĐKH và từ đó có ý thức bảo vệ sức khỏe bản thân hơn vì trẻ em là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng nhất bởi BĐKH.

Dự án “ANKHOE” - Nhóm ANKHOE (Gia Mỹ, Kim Nhường, Kim Phúc): App ăn chay nhằm đáp ứng nhu cầu cá nhân hóa chế độ dinh dưỡng cũng như mong muốn nhận được tư vấn từ chuyên gia dinh dưỡng và tăng cường kết nối giữa cộng đồng ăn chay hiện tại.

Dự án “GOM” - Nhóm GOMers (Hoàng Anh, Hà My, Duy Hưng, Hoàng Bảo, Thanh Bình) với mục tiêu xây dựng mạng lưới thu gom - xử lý pin, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi sống xanh của học sinh Trường THPT tại Hạ Long.

Dự án Tới đây đong đầy (Thanh Huyền, Gia Như, Thảo Uyên, Hồng Hạnh) với mô hình “tới đây đong đầy” cung cấp dịch vụ đong đầy (refill) các sản phẩm chăm sóc cá nhân và sản phẩm tẩy rửa gia dụng cho nhóm đối tượng sinh viên học tập tại Làng ĐHQG TPHCM nhằm hạn chế tối đa bao bì nhựa dùng một lần.

Dự án The Eco Project (Thanh Nên, Thanh Mai, Gia Hân): hướng đến các bạn sinh viên ĐH KHXH&NV chưa có nhận thức đúng về thời trang bền vững và có thói quen tiêu dùng thời trang nhanh với mục tiêu giúp hơn 200 sinh viên hiểu rõ hơn về ảnh hưởng của thời trang lên môi trường và thay đổi thói quen khi tiêu dùng thời trang thông qua việc kiến tạo không gian second-hand, trao đổi quần áo đã qua sử dụng và chuỗi workshop, chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức.

Dự án Gen R - Nhóm The Renewable (Duy Đan, Diễm Loan, Hồng Ngọc), dự án được tạo nên với mục tiêu phát triển không gian trường học không rác thải (Zero Waste Campus) nhằm thay đổi nhận thức và hành vi về sử dụng sản phẩm nhựa một lần của sinh viên UEH & VLU, từ đó thúc đẩy và hình thành thói quen tiêu dùng bền vững.

Dự án “HEAT UP FOR CLIMATE ACTION” (TIẾP LỬA VÌ KHÍ HẬU với tên viết tắt HUCA) - YNET Việt Nam (Trương Nguyễn Luân, Bảo Nghi, Thanh Mai, Ngọc Anh), dự án được tạo nên với mục tiêu kiến tạo một không gian cởi mở để những bạn trẻ tham gia mạng lưới có thể chia sẻ câu chuyện cá nhân, dự án cá nhân xoay quanh BĐKH đồng thời cung cấp nguồn thông tin và kiến thức chính xác, chuyên sâu về BĐKH giúp các bạn thanh niên nâng cao kiến thức và kỹ năng nhằm phục vụ cho dự án của mình.

Đánh giá về chất lượng các dự án tại Trại Thủ lĩnh Khí hậu năm nay, bà Thới Thị Châu Nhi - Phó Giám Đốc CHANGE nhận định: “Các dự án của trại năm nay khá đa dạng về chủ đề, cho thấy các bạn trại viên có một mức độ am hiểu khá toàn diện về các vấn đề khác nhau của biến đổi khí hậu sau các buổi tập huấn. Nếu cứ giữ vững sự sáng tạo, sự máu lửa, nhiệt huyết, tinh thần hợp tác, tương trợ lẫn nhau như qua cách trình bày cũng như quá trình lên kế hoạch dự án trong trại, các thủ lĩnh khí hậu hiện tại sẽ trở thành lực lượng nòng cốt, góp phần giải quyết các vấn đề khí hậu của địa phương.”