20 năm đào tạo ngành Ấn Độ học: Phục vụ nhu cầu giao lưu VH-XH-KT giữa Việt Nam – Ấn Độ

(VOH) - Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập ngành Ấn Độ học và hội thảo “Ấn Độ học ở Miền Nam Việt Nam - 20 năm nhìn lại” vừa được tổ chức tại TPHCM.

Chương trình do trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, cùng với Hội Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ Thành phố Hồ Chí Minh (VIFA) và Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.

20 năm đào tạo ngành Ấn Độ học

Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG-HCM) kỷ niệm 20 năm thành lập ngành Ấn độ học. Ảnh: CTV Hồng Liên. 

Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm, Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn bày tỏ, ngành Ấn Độ học thuộc Khoa Đông phương học của trường ra đời vào năm 2000. Mục tiêu của ngành học này là đào tạo một đội ngũ tri thức về Ấn Độ học, có đủ kiến thức và kĩ năng cần thiết để phục vụ cho nhu cầu giao lưu văn hóa – xã hội – kinh tế giữa Việt Nam và Ấn Độ, đồng thời giới thiệu đến công chúng bức chân dung toàn diện và sâu sắc về đất nước Ấn Độ, một kho tàng văn hóa của nhân loại và một đối tác chiến lược quan trọng của Việt Nam.

Từ khi được thành lập, ngành Ấn Độ học tại trường đã không ngừng phát triển và đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ trong nghiên cứu, đào tạo và hợp tác quốc tế. Ngành đã tổ chức thành công nhiều Hội thảo khoa học mang tầm quốc gia và quốc tế; xuất bản sách tham khảo và kỷ yếu hội thảo quốc tế bằng tiếng Anh; công bố các bài báo trên các tạp chí quốc tế có uy tín; cung cấp cho xã hội nhiều chuyên gia về Ấn độ học và nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao làm việc trong các cơ quan ngoại giao và tổ chức quốc tế.

Những thành tựu mà ngành đã đạt được trong cả học thuật và trong giao lưu văn hóa - xã hội, không chỉ là do sự nỗ lực của tập thể sinh viên và giảng viên trường mà còn nhờ vào sự ủng hộ lớn lao của Chính phủ Ấn Độ, các học viện, các cơ quan chính phủ và phi chính phủ trong và ngoài nước, các giảng viên tình nguyện Ấn Độ.