PGS.TS Cao Văn Sâm – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục dạy nghề, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Kể từ ngày 1/1/2017, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện quản lý nhà nước toàn bộ lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (trừ các trường sư phạm, các ngành đào tạo giáo viên). Cũng từ năm 2017, hơn 500 trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp cũng sẽ tuyển sinh theo quy chế do Bộ LĐ-TB-XH ban hành.
Như vậy, đây là lần đầu tiên hệ thống giáo dục nghề nghiệp thu về một mối, sẽ tạo cơ hội thống nhất và thực hiện chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp trên toàn hệ thống. Đài TNND TPHCM (VOH) đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Cao Văn Sâm – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục dạy nghề, Bộ LĐ-TB-XH xung quanh vấn đề này.
* VOH: Thưa ông, việc Bộ GD-ĐT bàn giao chức năng quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp cho Bộ LĐ-TB-XH, có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển hệ thống giáo dục nghề trên cả nước nói chung?
PGS.TS Cao Văn Sâm: Ý nghĩa thứ nhất, đây là lần đầu tiên của hệ thống giáo dục quốc dân của VN có một cơ quan thống nhất về quản lý giáo dục nghề nghiệp. Vì thế, nó tạo rất nhiều cơ hội thuận lợi để chúng ta chỉ đạo một cách nhất quán, nhằm phát triển giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của người học.
Thứ hai, đây là cơ hội để chúng ta thực hiện chiến lược phát triển nhân lực của Đảng và Nhà nước thông qua việc phát triển giáo dục nghề nghiệp, kể cả xây dựng cơ sở pháp lý, triển khai thực hiện Luật giáo dục nghề nghiệp đến việc tạo động lực cho người học, nâng cao năng lực của các cơ sở đào tạo trong hệ thống.
Thứ ba, việc này tạo điều kiện cho các Bộ ngành địa phương trong toàn quốc cũng như các cơ sở dạy nghề, thống nhất trong việc chỉ đạo điều hành và triển khai thực hiện theo các quy định của Luật giáo dục nghề nghiệp đã được Quốc hội thông qua.
Thứ tư, tạo cơ hội và có ý nghĩa cực kỳ quan trọng để chúng ta đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng được cả ba cầu: đó là phát triển nông nghiệp, nông thôn mà trọng tâm là mô hình nông thôn mới; về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho quá trình công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước và đặc biệt tạo cơ hội để chúng ta đào tạo nguồn nhân lực hội nhập đáp ứng với quá trình thực hiện cộng đồng ASIAN cũng như thực hiện các hiệp định đa phương và song phương mà Việt Nam đã ký với các nước và các tổ chức quốc tế.
* VOH: Từ trước đến nay, mục tiêu chương trình đào tạo cũng như yêu cầu đầu ra của các trường Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp rất khác biệt so với các trường Trung cấp - Cao đẳng nghề. Như vậy, về phía người dạy, người học sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận kiến thức cũng như nội dung giảng dạy mới ra sao? Bộ LĐ-TB-XH có giải pháp gì cho giai đoạn chuyển tiếp này?
PGS.TS Cao Văn Sâm: Có thể nói, trong thời gian vừa qua, dù là trường Trung cấp nghề, Cao đẳng nghề hay trường Trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng đều hướng tới mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng với nhu cầu doanh nghiệp và thị trường lao động, và đặc biệt là tôn vinh đào tạo kỹ năng cho người học thông qua đào tạo toàn diện về kiến thức, kỹ năng, thái độ nghề nghiệp.
Trong thời gian tới, các trường nếu còn thiên về học hàn lâm, lý thuyết thì chúng ta phải điều chỉnh dần từng bước để đáp ứng với mục tiêu đề ra, cũng như đầu ra theo Khung trình độ quốc gia Chính phủ vừa mới ban hành.
Có gì mới trong tuyển sinh 2017?
* VOH: Như vậy, từ năm 2017, toàn bộ các trường Trung cấp – Cao đẳng (trừ khối sư phạm) sẽ tuyển sinh theo quy chế của Bộ LĐ-TB-XH. Việc tuyển sinh này có gì khác so với quy chế của Bộ GD-ĐT hay không, thưa ông?
PGS.TS Cao Văn Sâm: Có thể nói có hai hướng tuyển sinh cơ bản, chúng ta phải thực hiện giáo dục nghề nghiệp, tuyển sinh thường xuyên do năng lực và nhu cầu người học và quy định bởi nhu cầu của thị trường, nhu cầu của doanh nghiệp trong quá trình học gắn với giải quyết việc làm.
Đối với các trung tâm dạy nghề, giáo dục nghề nghiệp sơ cấp sẽ áp dụng hình thức là tuyển sinh qua xét tuyển. Đối với trung cấp và Cao đẳng hoặc tuyển sinh theo xét tuyển hoặc tuyển sinh theo thi cử hoặc kết hợp cả hai. Nhưng, quan trọng bậc nhất là để tạo chủ động cho các cơ sở giáo dục trong công tác tuyển sinh gắn với năng lực đào đạo, đó là giao chủ quyền cho các cơ sở tự tuyển sinh.
* VOH: Dưới góc độ xã hội, vấn đề mà phụ huynh, người học quan tâm đó chính là chất lượng đào tạo ra sao, người học có được trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết đáp ứng thị trường lao động hội nhập hay không? Vậy, Bộ LĐ-TB-XH có những chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp như thế nào trong thời gian tới?
PGS.TS Cao Văn Sâm: Chúng ta đang còn thực hiện các giải pháp đồng bộ để thực hiện chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Trong toàn bộ chiến lược đó mục tiêu cơ bản là đào tạo nguồn nhân lực có quy mô, cơ cấu ngành nghề phù hợp và bảo đảm chất lượng khi người học ra thị trường lao động.
Hiện nay để thực hiện mục tiêu ấy, chúng ta một mặt là triển khai đồng bộ các quy định đổi mới trong luật giáo dục nghề nghiệp, mà đặc biệt có 12 điểm đổi mới cốt lõi trên 30 điểm đổi mới theo hướng tạo điều kiện cho người học học một cách thuận lợi nhất như chúng ta quy định phương thức đào tạo linh hoạt. Hai là, chúng ta tăng quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc tự chủ về công tác tuyển sinh, về triển khai quá trình đào tạo về việc xây dựng đầu ra, phối hợp với các doanh nghiệp trong việc đào tạo và đánh giá để đào tạo gắn với nhu cầu doanh nghiệp và thị trường lao động.
Hiện Bộ LĐ-TB-XH đã đề xuất với Chính phủ xây dựng Đề án đổi mới về phát triển giáo dục nghề nghiệp từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, để toàn ngành triển khai và thực hiện đồng bộ những định hướng, giải pháp và chủ động trong việc đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng giữa cung trong đào tạo và cầu trong sử dụng.
* VOH: Cám ơn ông!