Sáng 13/9, bà Văn Thị Bạch Tuyết - Phó Trưởng Đoàn Chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội có buổi khảo sát tình hình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa Giáo dục Phổ thông trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2020-2022 tại Ủy ban Nhân dân quận 6.
Ông Lưu Hồng Uyên, Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo Quận 6, cho biết tỷ lệ dạy học 2 buổi/ngày 3 năm nay đều đạt 100% ở cấp tiểu học. Riêng cấp Trung học cơ cở tăng dần qua 3 năm từ 90,6% năm học 2020-2021 lên 94,8% năm học 2021-2022 và đạt 100% vào năm học này 2022-2023.
Chuẩn bị cho việc triển khai chương trình giáo dục 2018, 100% giáo viên tiểu học và trung học cơ sở tham gia bồi dưỡng đại trà và đánh giá đạt 6 mô đun (mô đun 1,2,3,4,5 và 9). 100% cán bộ quản lý, giáo viên được tập huấn bồi dưỡng sử dụng sách giáo khoa lớp 1, 2, 3 và lớp 6, 7. Và 100% dạy lớp được hiệu trưởng đánh giá đạt yêu cầu.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị quyết, những khó khăn, hạn chế vẫn còn tồn tại như giáo viên còn lúng túng trong nghiên cứu, soạn giảng Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018, tình hình dịch bệnh Covid 19 kéo dài khiến việc chỉ đạo quản lý, tổ chức giảng dạy gặp nhiều trở ngại. Ông Lê Thanh Bình - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận 6 phát biểu: “Quận 6 tập trung mạnh cho giáo dục và đào tạo, quy hoạch hệ thống trường lớp, từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và Trung học Phổ thông. Trên cơ sở quy hoạch phải gắn luôn với các tiêu chuẩn của ngành, trong đó của Bộ Giáo dục về chuẩn quốc gia, trên cơ sở đó chúng ta có lộ trình xây dựng trường lớp phù hợp. Bên cạnh đó đầu tư chất lượng giáo dục, trong đó là đầu tư chất lượng đội ngũ giáo viên.”
Theo đánh giá của các đại biểu, Quận 6 có lợi thế sỉ số học sinh, tỷ lệ phòng học, tỷ lệ học 2 buổi/ngày. Đây là những điều kiện cần thiết để thực hiện đổi mới chương trình, đổi mới sách giáo khoa. Thực tế, Quận 6 là một trong những đơn vị thực hiện tốt Chương trình. Bà Văn Thị Bạch Tuyết đánh giá về thực hiện chương trình đổi mới sách giáo khoa: “Qua chương trình mới này nếu chúng ta triển khai thực hiện tốt thì các em học sinh sẽ có một môi trường học tập tốt, đồng thời các cháu sẽ chủ động, tự chủ nhiều hơn, độc lập nhiều hơn trong sinh hoạt của mình, được trang bị nhiều kỹ năng hơn và với sự học tập rất chủ động của các cháu. Bên cạnh đó thì khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, sách giáo khoa mới thì Chính phủ, Bộ Giáo dục cũng đã ban hành danh mục các cơ sở, vật chất, thiết bị để mà chúng ta thực hiện triển khai chương trình đó.”