Chờ...

"Một nền giáo dục thực chất mới tạo ra một xã hội phát triển thực chất"

(VOH) – Năm học 2021 - 2022, ngành Giáo dục Thành phố đã nỗ lực thực hiện "nhiệm vụ kép" của ngành, đảm bảo an toàn phòng chống dịch vừa hoàn thành kế hoạch năm học với chất lượng cao.

Tại Hội nghị Tổng kết năm học 2021 – 2022 và Triển khai nhiệm vụ năm học 2022 – 2023 diễn ra sáng nay 25/8, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên khẳng định 12 năm học phổ thông nhằm hình thành nhân cách, vốn căn bản về văn hoá để làm người, xã hội hãy giúp học sinh học đúng theo nghĩa như thế. 

Năm học 2021 - 2022, ngành Giáo dục Thành phố đã nỗ lực thực hiện "nhiệm vụ kép" của ngành là vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch vừa hoàn thành kế hoạch năm học với chất lượng cao. Tính riêng cấp học mầm non đã có gần 3.000 giáo viên và hơn 400 cán bộ quản lý giáo dục đã trở thành những y tá, điều dưỡng, nhân viên nhập liệu, tiếp tế lương thực cho người dân, chuyển sách cho các em học sinh các cấp, hỗ trợ điểm tiêm...trong thời gian dịch bệnh. 

Để thực hiện chủ trương "dừng đến trường nhưng không dừng học tập", nhiều sáng kiến được phát huy trong giai đoạn khó khăn này như: ứng dụng hệ thống quản lý trực tuyến để điều hành công tác vận chuyển sách giáo khoa đến cho học sinh từ các Nhà xuất bản đến từng phường, xã nơi học sinh cư ngụ; hội thảo, bồi dưỡng, tập huấn trực tuyến, các phòng chuyên môn cũng đã tổ chức kiểm tra các cơ sở giáo dục qua hệ thống trực tuyến. 

12 năm học phổ thông nhằm hình thành nhân cách, vốn căn bản về văn hoá để làm người
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 - Ảnh: SGGPO 

Ngành giáo dục và đào tạo thành phố cũng đã phối hợp với các tập đoàn, công ty phần mềm xây dựng và giới thiệu 13 hệ thống học tập trực tuyến phục vụ công tác dạy học. Ở khối trung học, 100% nhà trường sử dụng phần mềm quản lý trường học, khoảng 750 trường, chiếm tỉ lệ 72%, sử dụng sổ điểm điện tử. 

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc khẳng định TPHCM là một trong những địa phương mở cửa trường học sớm nhất dù là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19. "TPHCM luôn là địa phương có nhiều thành tích nổi bật trong sự nghiệp giáo dục đào tạo, là xuất phát điểm của nhiều mô hình mới hiệu quả với những biện pháp tích cực sáng tạo, mang tính đột phá nhằm xây dựng và mở rộng trường lớp, xây dựng những mô hình nhà trường tiên tiến, chủ động hội nhập khu vực và quốc tế. Ngành giáo dục Thành phố tích cực đổi mới tạo môi trường học tập, tích cực phát huy tối đa phẩm chất và năng lực người học, giáo dục học sinh nếp sống văn minh, lòng nhân ái. Để đạt được những thành tích trên, một phần quan trọng là do sự quan tâm của lãnh đạo Thành phố và sự cố gắng của đội ngũ quản lý, nhà giáo qua các thời kỳ, huy động mọi nguồn lực xã hội vào việc chăm lo cho sự phát triển  giáo dục đào tạo", Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá.        

Năm học 2022-2023 ngoài nhiệm vụ tiếp tục củng cố, bù đắp, kiên trì thực hiện mục tiêu chất lượng, ngành giáo dục còn triển khai thực hiện chiến lược giáo dục của cả nước giai đoạn 2021-2030. Trong đó, mục tiêu tổng quát đến 2030 giáo dục Việt Nam sẽ đạt trình độ tiên tiến ở khu vực Châu Á, tầm nhìn 2045 giáo dục sẽ đạt trình độ tiên tiến của thế giới. Trong đó, mục tiêu là phát triển con người Việt Nam toàn diện, phát huy tối đa tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, để phục vụ cho mục tiêu dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đất nước phồn vinh hạnh phúc.  

12 năm học phổ thông nhằm hình thành nhân cách, vốn căn bản về văn hoá để làm người
Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 - Ảnh: SGGPO 

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo xác định phương hướng nhiệm vụ năm học mới sẽ tiếp tục triển khai theo lộ trình và phù hợp với thực tiễn các Chương trình, Đề án đột phá của Thành phố về Giáo dục như Đề án đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ở 08 ngành giai đoạn 2020 – 2035 và Đại học chia sẻ; Đề án Giáo dục thông minh và học tập suốt đời giai đoạn 2020 – 2030; Đề án “Nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng ứng dụng Tin học cho học sinh phổ thông TPHCM theo định hướng chuẩn Quốc tế giai đoạn 2020 – 2030”. 

Ngoài ra, ngành tích cực tham mưu xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ông Nguyễn Văn Hiếu đề xuất: "Phấn đấu đạt chỉ tiêu 300 phòng học/10 ngàn dân số độ tuổi 3 đến 18 tuổi theo Nghị quyết đại hội Đảng bộ TPHCM làn XI. Hiện đạt 293 phòng học/10 ngàn dân. Ngành giáo dục đào tạo rất mong được sự phối hợp các quận huyện để con số 300 phòng học/10 ngàn dân đạt được ở từng quận huyện. Khi đó sẽ đảm bảo được chỗ học và chuẩn chất lượng."  

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng dịch bệnh đã cho thấy sự năng động, sáng tạo, thích ứng trong hoàn cảnh khắc nghiệt của ngành giáo dục Thành phố. Điều này không nên dừng lại ở năm học 2021-2022 và xem là một thành tựu lịch sử, mà cần tiếp tục phát huy để có thể chủ động hơn khi đối mặt với các tình huống tương tự. 

Với vấn đề cơ sở vật chất trường học, Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị: "Chủ tịch các quận huyện cần rà soát. Trước mắt cần có những giải pháp, thậm chí quận huyện thì lo trường học, phòng học tạm, ngành giáo dục thì lo giáo viên để có thể mở lớp. Thành phố không thể chấp nhận lớp học có sỉ số lên đến 60 em. Cần rà soát lại và có giải pháp ngay là những việc cần làm của năm  học 2022-2023".

Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên khẳng định TPHCM luôn xem giáo dục là hướng phát triển quan trọng. Khó khăn chung, lớn nhất của Thành phố là áp lực dân số, trong khi quy hoạch cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng nhu cầu học tập nâng cao của thành phố. Bí thư Thành uỷ yêu cầu các cấp quận huyện phải giải quyết tháo gỡ vấn đề này, để có thể đảm bảo yêu cầu nâng cao chất lượng dạy học của Thành phố. 

Bí thư Thành uỷ TPHCM lưu ý thêm: "12 năm học phổ thông sẽ hình thành nhân cách, vốn căn bản về văn hoá để làm người. Tất cả các môn học đều có mục đích như thế. Việc tạo ra chất lượng của các môn học cũng nhắm mục đích đó. Học Toán, học Văn, học Sử, Địa, GDCD... đều là học làm người. Nhiều lúc chúng ta chạy theo các thành tích, ảo vọng không thật, làm cho anh em mất phương hướng, thế hệ trẻ cũng gặp khó khăn lúng túng. Vậy thì từ lãnh đạo các cấp, từ giáo viên, phụ huynh và xã hội hãy cùng nhau giúp các cháu học đúng theo cái nghĩa như thế".      

"Chiến lược phát triển giáo dục từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ thể hiện tư tưởng, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng và Nhà nước. TPHCM luôn nhận thức và hành động nhất quán với quan điểm chỉ đạo đó, xem giáo dục là lĩnh vực hoạt động rất quan trọng, tác động trong mối quan hệ mật thiết với tất cả lĩnh vực trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng, phát triển Thành phố. Một nền giáo dục thực chất mới tạo ra một xã hội phát triển thực chất. Để xã hội phát triển toàn diện và bền vững, cần một nền giáo dục phát triển toàn diện và bền vững trên tất cả hoạt động" - Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên