Năm học 2022-2023, ngành giáo dục TPHCM đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục

(VOH) - Đánh giá kết quả năm học 2021-2022, ngành giáo dục thành phố đã khắc phục khó khăn, chủ động, tích cực, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Sáng nay (25/8) Sở Giáo dục Đào tạo TPHCM tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và định hướng hoạt động năm học mới 2022-2023. 

Một năm với nhiều thử thách cho ngành giáo dục thành phố

Nhìn lại năm học 2021-2022, ngành giáo dục thành phố có một số hạn chế do năm học diễn ra trong điều kiện kinh tế xã hội thành phố gặp nhiều khó khăn; có sự điều chỉnh trong một số quy định từ Bộ GD-ĐT; nhiệm vụ công tác giáo dục tăng thêm do việc triển khai chương trình, sách giáo khoa đòi hỏi công tác bồi dưỡng, tập huấn triển khai đồng loạt; các chương trình, đề án được giao trong giai đoạn phát triển kế hoạch trung hạn 2021-2025 và nhất là do tình hình dịch bệnh COVID-19 kéo dài, phải thực hiện giãn cách xã hội... 

Năm học 2021-2022 cũng là năm đầu tiên thực hiện Kết luận số 01-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, theo chủ đề toàn khóa “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước, phồn vinh, hạnh phúc”. Toàn ngành giáo dục TPHCM thực hiện thành công Lời kêu gọi đoàn kết để chiến thắng đại dịch COVID-19 của Tổng Bí thư và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác phòng, chống dịch bệnh của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế, Bộ GDĐT, Ủy ban nhân dân Thành phố và các ban ngành chức năng.

Trên tinh thần tuyệt đối không chủ quan, lơi lỏng; nắm chắc tình hình, dự báo, chủ động và phối hợp chặt chẽ với sở, ngành liên quan trên địa bàn thành phố, ngành giáo dục xây dựng kế hoạch cụ thể và đã kịp thời đề ra các giải pháp phù hợp với thực tiễn tại cơ quan, đơn vị. Ngành giáo dục và đào tạo đã đảm bảo hoạt động dạy học trong tình hình dịch bệnh gắn với thi đua thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Sở GDĐT lần thứ VII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Năm học 2022-2023, ngành giáo dục TPHCM đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục 1
Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh lớp 12 tại huyện Củ Chi - Ảnh: HCDC

Song song đó, ngành giáo dục thành phố phối hợp ngành y tế triển khai tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em và học sinh từ 5 đến dưới 18 tuổi theo kế hoạch. Năm học 2021-2022, ngành giáo dục thành phố đã chung tay nỗ lực vừa tích cực thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, vừa ra sức phấn đấu khắc phục khó khăn triển khai thực hiện song song hai chương trình và bảo đảm chất lượng, hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông.

Năm học 2021-2022, ngành giáo dục thành phố phải bước vào giai đoạn dạy học trực tuyến khá dài do tình hình dịch bệnh phức tạp, một số học sinh không có thiết bị học tập, thời gian tương tác giữa giáo viên và học sinh ít, làm ảnh hưởng phần nào đến kết quả học tập của học sinh, nhất là học sinh lớp 1, giáo viên cần có thêm thời gian để giúp đỡ cho các em khi đi học trực tiếp trở lại. Việc học trực tuyến một thời gian dài cũng ảnh hưởng đến tâm lí và kỹ năng sống của học sinh.

Những điểm son đáng tự hào

Điểm đáng ghi nhận của ngành giáo dục thành phố trong năm học qua là kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 đã được tổ chức thành công, bảo đảm nghiêm túc, công bằng và an toàn, với tổng số thí sinh dự thi là 73.459, đạt tỷ lệ 86,33% so với tổng số thí sinh đăng ký dự thi. Đây cũng là năm đầu tiên thí sinh đang học lớp 12 thực hiện đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT theo hình thức trực tuyến trên hệ thống quản lý thi. Tỉ lệ tốt nghiệp là 99,52%.

Tại các kì thi quốc tế được tổ chức năm 2022, TPHCM có 1 Huy chương vàng Olympic Hóa học quốc tế (Em Nguyễn Việt Phong - học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong) và 1 Huy chương Bạc Olympic Toán học quốc tế (Em Phạm Hoàng Sơn - học sinh trường Phổ thông năng khiếu Đại học quốc gia TPHCM đạt Huy chương Bạc Olympic Toán học quốc tế).

Năm học 2022-2023, ngành giáo dục TPHCM đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục 2
Học sinh Nguyễn Việt Phong, lớp 12CH1 đã xuất sắc đoạt Huy chương vàng Olympic Hóa học quốc tế năm 2022 - Ảnh: Trường chuyên Lê Hồng Phong

Tại kỳ thi nghiên cứu khoa học quốc tế GENIUS OLYMPIAD, đoàn TPHCM đã xuất sắc đạt thành tích 3 Huy chương Vàng, 4 huy chương Bạc, 6 Huy chương Đồng và 2 Giải Khuyến khích.

Tại kỳ thi học sinh giỏi cấp Quốc gia, TPHCM đã đạt 115 giải gồm 10 giải Nhất, 23 giải Nhì, 39 giải Ba và 43 giải Khuyến khích cùng với 01 đề tài đạt giải Khuyến khích tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật. Các kỳ thi học sinh giỏi, khoa học kỹ thuật, giải toán trên máy tính cầm tay ở các cấp học THCS, THPT, Giáo dục thường xuyên của thành phố cũng giúp phát hiện nhiều hạt giống xuất sắc với 352 giải Nhất và nhiều giải thưởng khác.

Về công tác ứng dụng CNTT trong quản lý các hoạt động chuyên môn (hệ thống Quản lý chuyên môn trung học được vận hành hiệu quả), quản lý kết quả học tập của học sinh, quản lý dạy học qua internet được chú trọng (manghocsinh.vn được triển khai để giao nhiệm vụ học tập cho học sinh); tăng cường mối liên hệ giữa nhà trường với cha mẹ học sinh và cộng đồng để nâng cao hiệu quả công tác quản lý góp phần chuyển đổi số trong ngành giáo dục.

Sử dụng công cụ CNTT để hội họp, tập huấn, bồi dưỡng giáo viên để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, triển khai chương trình GDPT 2018; khuyến khích giáo viên khai thác và sử dụng CNTT để nâng cao chất lượng dạy học. Xây dựng cơ sở số liệu vào cơ sở dữ liệu giáo dục trung học thành phố theo đúng tiến độ, đảm bảo tính chính xác của số liệu.

Tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn TPHCM đều sử dụng phần mềm quản lý trường học (1030 trường, chiếm tỷ lệ 100%). Số lượng trường sử dụng sổ điểm điện tử là 749 trường, chiếm tỉ lệ 72.72%.

Năm học 2022-2023: Tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo

Về phương hướng sắp tới, từ năm học 2022-2023, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong GDĐT giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”63 và Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025”.

Theo đó, đẩy mạnh triển khai chính quyền điện tử trong ngành giáo dục. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ trí tuệ nhân tạo trong cung cấp dịch vụ (như trợ lý ảo, trả lời tự động); thử nghiệm nền tảng dùng chung giải quyết một số thủ tục hành chính không dùng giấy tờ trong ngành giáo dục dựa trên nền tảng cơ sở dữ liệu ngành giáo dục.

Phát triển các kho học liệu số, học liệu mở chia sẻ dùng chung toàn ngành giáo dục, gồm bài giảng điện tử, bài giảng dạy trên truyền hình, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác; phát triển hệ thống ngân hàng câu hỏi trực tuyến cho tất cả các môn học của GDPT và giáo dục thường xuyên; kho học liệu được xây dựng theo một bộ tiêu chí cụ thể, đảm bảo chất lượng và đạt chuẩn.

Năm học 2022-2023, ngành giáo dục TPHCM đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục 3
Một giờ học tại phòng vi tính của học sinh Trường THCS Tân Bình (quận Tân Bình) - Ảnh: SGGP

Phát triển, ứng dụng nền tảng số dạy và học trực tuyến với các tính năng tiên tiến hỗ trợ học tập cá thể hóa và tăng cường trải nghiệm; tăng cường kiểm tra, thi trên máy tính và thi trực tuyến; kết nối nền tảng dạy học trực tuyến với nền tảng quản trị nhà trường và mạng IoT, thiết lập hệ sinh thái chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục. Triển khai nền tảng quản trị nhà trường tích hợp không gian làm việc số tới 100% cơ sở giáo dục nhằm tạo môi trường làm việc và tương tác trực tuyến cho cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, nhân viên và người học; đảm bảo kết nối, báo cáo liên thông dữ liệu từ cơ sở giáo dục với hệ thống cơ sở dữ liệu thành phố, cơ sở dữ liệu toàn quốc của ngành giáo dục.

Bình luận