Chờ...

60 năm truyền thống Văn khoa Sài Gòn

(VOH) - Sáng nay 20/11, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm hình thành và phát triển.

Đến dự lễ có ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cùng nhiều nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thành phố.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu.

Năm 1957, Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn chính thức được thành lập với sự hình thành chương trình Cử nhân Giáo khoa và 16 chứng chỉ cử nhân khác nhau. Trong giai đoạn đất nước bị chia cắt và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ngày càng ác liệt, đội ngũ thầy cô giáo và sinh viên yêu nước ở Đại học Văn Khoa Sài Gòn vừa xây dựng, vừa đấu tranh để từng bước hình thành những nền tảng ban đầu của một trường đại học lớn.

Trường lúc này là cơ sở nội thành của Ban Trí vận – Mặt trận khu ủy Sài Gòn – Gia Định. Phong trào sinh viên Văn khoa phát triển mạnh mẽ, có sức hút lớn đối với sự dấn thân của tuổi trẻ học đường miền Nam thời bấy giờ.

Sau ngày đất nước thống nhất, Đại học Văn khoa đã có nhiều thay đổi về mục tiêu, chương trình, nội dung đào tạo trên cơ sở hợp nhất với Đại học Khoa học và được gọi với tên Trường Đại học Tổng hợp TPHCM. Năm 1996, trường chính thức mang tên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Võ Văn Sen, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Với hoàn cảnh và lịch sử khác nhau, những thế hệ người thầy của nhà trường ở 3 thời kỳ xuất phát từ nhiều nguồn đào tạo khác nhau nhưng đều là trí thức VN yêu nước, có trình độ khoa học sâu, có khát vọng và hoài bão xây dựng đất nước giàu mạnh, hội nhập quốc tế thành công để đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ đã nói”.

60 năm qua, dù ở giai đoạn nào trường cũng là đơn vị dẫn đầu về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực khoa học xã hội. Là đơn vị tiên phong trong việc tạo ra ngành đào tạo, lĩnh vực nghiên cứu mới cũng như chuẩn hóa, tiếp cận và hội nhập quốc tế. Trường còn là nơi tập trung các nhà khoa học đầu ngành nhiều lĩnh vực.

Đến nay, trường đã đào tạo trên 75 ngàn cử nhân khoa học, hơn 7 ngàn thạc sĩ và trên 600 tiến sĩ. Với ưu thế của một trung tâm đào tạo chất lượng cao về khoa học xã hội và nhân văn, trường là đơn vị dẫn đầu trong cả nước về thu hút sinh viên nước ngoài. Mỗi năm, tại đây thu hút trên 5 ngàn sinh viên đến từ 74 quốc gia và vùng lãnh thổ tới học tập, nghiên cứu ngắn hạn và dài hạn.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, đồng thời cũng là cựu sinh viên của trường bày tỏ: “Riêng với đội ngũ giảng viên, các sinh viên, tôi mong các bạn thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ, đó là học mãi để tiến mãi, càng tiến bộ thì càng phải học. Thay mặt lãnh đạo Nhà nước và là cựu sinh viên của trường, tôi kính chúc nhà trường bước vào thời kỳ mới với nhiều thành công hơn nữa, trong đó đạt kế hoạch mục tiêu chiến lược đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của nhà trường”.

Vinh danh các cựu sinh viên tiêu biểu Văn khoa Sài Gòn (theo thứ tự từ trái sang): Ông Lê Thanh Hải, nguyên Bí thư Thành ủy TP; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Ngày nay, với mục tiêu trở thành trường đại học nghiên cứu, nhà trường tập trung đầu tư phát triển mạnh nghiên cứu cơ bản, đồng thời gắn kết nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu ứng ụng, nghiên cứu liên ngành, gắn kết khoa học công nghệ với đào tạo.

Trong đó, trường chú trọng xây dựng các lĩnh vực nghiên cứu mũi nhọn tham gia vào việc giải quyết những vẫn đề cấp thiết của thành phố, khu vực Nam bộ, Nam Trung bộ và Tây Nguyên, những vấn đề quan trọng của Việt Nam học và Nam Bộ học phục vụ cho công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.