Ô tô, điện và công nghệ thông tin dẫn đầu lựa chọn của hơn 1 triệu học sinh

VOH - Năm 2024, trong số hơn 2,4 triệu học sinh, sinh viên chọn học nghề, gần một nửa quyết định theo nhóm ngành kỹ thuật – công nghệ.

Các ngành công nghệ ô tô, công nghệ điện và công nghệ thông tin đang thu hút đông đảo người học, trở thành lựa chọn “hot” nhất.

Thông tin này được đưa ra tại hội nghị tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sáng 16/5. Báo cáo tại hội nghị cho biết, tính đến hết tháng 12/2024, cả nước có 1.886 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm 399 trường cao đẳng, 429 trường trung cấp và hàng nghìn trung tâm đào tạo khác.

Trong năm nay, hệ thống các trường nghề trên cả nước tuyển sinh được 2,43 triệu người. Riêng bậc cao đẳng và trung cấp có 430.000 người theo học. Nhóm ngành kỹ thuật – công nghệ tiếp tục là lựa chọn hàng đầu của học sinh với tỉ lệ 46%. Trong đó, công nghệ ô tô, công nghệ điện và công nghệ thông tin được nhiều người đăng ký nhất.

Sinh viên trường Đại học Bách khoa TPHCM-6--Trọng Huy - web voh_voh
Ảnh minh họa: T.H

Bên cạnh nhóm kỹ thuật – công nghệ, các ngành thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản cũng thu hút được 12% tổng số học viên đăng ký học nghề. Tỉ lệ này tăng 4% so với năm 2023 nhờ sự phát triển mạnh của các mô hình nông nghiệp công nghệ cao và nhu cầu lao động lành nghề trong lĩnh vực này.

Nhóm ngành y dược và chăm sóc sức khỏe chiếm khoảng 10% tổng số tuyển sinh, có xu hướng tăng do tình trạng già hóa dân số và nhu cầu chăm sóc sức khỏe cộng đồng ngày càng lớn. Những lĩnh vực dịch vụ, du lịch, nhà hàng – khách sạn tiếp tục duy trì sức hút với số lượng người học ổn định, nhờ nhu cầu lao động dồi dào.

Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định, các ngành nghề có kết quả tuyển sinh cao chủ yếu là những lĩnh vực có nhu cầu sử dụng lao động lớn trong xã hội. Đồng thời, các ngành mới nổi như đào tạo nghề xanh, sản xuất sạch, năng lượng tái tạo cũng đang được nhiều trường quan tâm, mở mã ngành và điều chỉnh chương trình đào tạo.

Dù đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng vẫn còn một số ngành, nghề gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh. Phần lớn rơi vào những lĩnh vực công việc nặng nhọc, độc hại hoặc tiềm ẩn nguy hiểm cao như khai khoáng, mỏ, hầm lò, xử lý chất thải và môi trường.

Nguyên nhân do tâm lý xã hội vẫn còn nặng về bằng cấp, nhiều gia đình và học sinh xem đại học là lựa chọn ưu tiên, trong khi học nghề thường bị xem là phương án cuối cùng. Ngoài ra, việc tuyển sinh đại học với quy mô lớn, phương thức xét tuyển đa dạng, dễ tiếp cận khiến các trường nghề chịu thêm áp lực, khó cạnh tranh nguồn tuyển.

Để tháo gỡ khó khăn, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp. Việc tuyển sinh cần gắn với nhu cầu tuyển dụng và đảm bảo việc làm cho học viên sau tốt nghiệp.

Bộ cũng khuyến khích các trường mở rộng đào tạo chương trình chất lượng cao, ưu tiên những lĩnh vực đòi hỏi nhân lực công nghệ mới, công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ, đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập quốc tế.

Việc nâng cao nhận thức về giá trị và cơ hội nghề nghiệp khi học nghề cũng được xem là giải pháp lâu dài để thay đổi tư duy “trọng bằng cấp”, giúp giáo dục nghề nghiệp dần trở thành lựa chọn chủ động của người học trong thời gian tới.

Bình luận