Chờ...

Áp lực dân số, TPHCM khó giữ chuẩn trường lớp

(VOH) - Sáng 7/8, đoàn công tác Trung ương khảo sát kết quả 5 năm triển khai thực hiện NQ 29 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 11 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo tại TPHCM.

Áp lực học sinh tăng hàng năm

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Lê Hồng Sơn – Giám đốc Sở Giáo dục  và Đào tạo TP cho hay, hiện nay, một trường trong tốp đầu hay không, việc phân loại đánh giá như thế nào thì hiện tại các trường của Thành phố đã cố gắng rút ngắn khoảng cách chất lượng, kể cả giữa nội thành với ngoại thành, để làm sao những điều kiện cơ bản nhất như: về đội ngũ phải phân bổ đồng đều, có điều chuyển; việc đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cũng được thực hiện đều đặn.

Ông Sơn dẫn chứng, tại một số quận tiêu biểu như quận 1, 3, 5, chỉ còn tình trạng phụ huynh khi tìm chỗ học cho con chỉ còn “nhìn ngó” trường đó có được tổ chức học 2 buổi/ngày hay không; cơ sở vật chất, trang thiết bị như thế nào; sĩ số học sinh/lớp có đảm bảo…còn đội ngũ thầy cô giáo, chất lượng dạy học giữa các trường đã tương đối đồng đều.

Theo ông Sơn, hiện nay Thành phố có cái khó, đó là ngay trong một quận, trường nào giữ được chuẩn quốc gia hay theo mô hình tiên tiến hội nhập thì cố gắng phải giữ bằng giải pháp là không phân bổ chỉ tiêu dẫn đến vượt sĩ số học sinh; không bị mất đi 2 buổi/ngày. Còn lại, một số quận như 12, Gò Vấp, Bình Tân, áp lực học sinh rất lớn, đây cũng là một vấn đề rất khó khăn của ngành giáo dục Thành phố,

“Để đảm bảo đủ chỗ cho học sinh, đây là vấn đề rất lớn và rất khó. Nhưng dứt khoát không để bất cứ một học sinh nào kể cả có hộ khẩu hay không có hộ khẩu mà không có chỗ học. Một số quận cũng phải chấp nhận, sĩ số từ 45 – 50 học sinh/lớp. Một số quận phải giảm số trường tổ chức học 2 buổi/ngày. Nếu vẫn giữ 2 buổi/ngày thì không đủ chỗ học. Thế là phải đành cắt bớt một số lớp, chỉ 1 buổi/ngày”, ông Sơn thông tin.

Về thu nhập giáo viên, ông Sơn cho hay giáo viên ở bậc mầm non và tiểu học thấp hơn so với thu nhập của giáo viên bậc trung học. Do đó, để cải thiện và thu hút đội ngũ giáo viên ở các bậc học này, Thành phố trong thời gian qua đã có Nghị quyết 01 và 04 để hỗ trợ cho bậc mầm non - kể cả giáo viên, cán bộ quản lý và nhân viên.

Hiện tại, mức thu nhập bình quân của giáo viên mầm non là hơn 6 triệu/tháng. Đối với giáo viên tiểu học, cộng tất cả hệ số lương bình quân, mức lương cơ sở, tiền lương tháng, phụ cấp ưu đãi, thâm niên….có thu nhập khoảng 7,6 triệu đồng/tháng. Đối với bậc Trung học cơ sở và Trung học phổ thông, giáo viên có thu nhập bình quân là 7,1 triệu đồng/tháng. Thêm vào đó, trên cơ sở các trường có thể tạo điều kiện để giáo viên có thêm thu nhập, từ việc tiết kiệm được từ lương khoán trong số 20% ngân sách để lại, các hoạt động khác…Nếu tính tất cả, bình quân tổng thu nhập của giáo viên trên địa bàn Thành phố xấp xỉ 9 triệu đồng ở tất cả các bậc học.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi làm việc.

Uỷ viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh một đặc thù của Thành phố, đó là dân số không ngừng tăng nên quy mô giáo dục tăng hàng năm rất lớn. Năm năm gần đây, dân số tăng bình quân 1 triệu người, vì vậy toàn bộ hệ thống trường lớp cũng phải đi kèm để hỗ trợ lực lượng này.

Cũng trong 5 năm qua, bình quân mỗi năm Thành phố xây thêm 55 trường học, trong đó số trường công lập là 13 trường. Trong đó, mỗi năm tăng thêm hơn 1.300 phòng học, công lập phải gánh là 927 phòng học, chiếm đến 67%. Bình quân Thành phố mỗi năm tăng 47.000 học sinh, các trường công lập gánh tỷ lệ 69%.

Về chất lượng giáo dục, khối phổ thông hiện đang chuyển động theo hướng chuẩn hóa, đặc biệt là vượt chuẩn về giáo viên, hiện đại hóa về chương trình và từng bước quốc tế hóa.

“Hiện nay, ở bậc tiểu học là 44 học sinh/lớp, nhưng học 2 buổi/ngày ở bậc tiểu học đạt được 72%. Tỷ lệ giáo viên vượt chuẩn là 96%. 72% trường tiểu học đã được đánh giá ngoài, việc này rất quan trọng. Về việc đưa giáo dục về công nghệ, toán học vào nhà trường ở bậc trung học cơ sở là 86% số trường có dạy STEM, còn bậc Trung học phổ thông là 81%, tức là hướng đi vào hiện đại hóa”, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân dẫn chứng.

Xây dựng TPHCM thành trung tâm giáo dục đào tạo chất lượng cao

Sau khi lắng nghe báo cáo và các ý kiến của lãnh đạo TPHCM, ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, đánh giá, trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, Thành phố đã xác định tầm nhìn và quyết tâm cao, đó là xây dựng TPHCM thành trung tâm giáo dục đào tạo chất lượng cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Làm sao để Thành phố không chỉ là nơi để cho con em ở các vùng miền trên cả nước về học, mà ngay cả sinh viên quốc tế của các nước trong khu vực, trên thế giới cũng có thể đến Thành phố để học.

“Thành phố tuy chịu áp lực về tăng dân số cơ học rất lớn, số lượng người học hàng năm tăng lên rất nhanh, nhưng Thành phố đã có những giải pháp và chính sách rất thiết thực để gia tăng nguồn lực đầu tư từ nguồn lực của Nhà nước cũng như là kêu gọi sự hỗ trợ, tham gia của các nguồn lực xã hội khác trong việc phát triển hệ thống trường lớp. Nhưng cái chính vẫn là Thành phố phải gánh”, ông Võ Văn Thưởng chia sẻ.

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 29, ông Võ Văn Thưởng đánh giá các chỉ tiêu về phát triển giáo dục của Thành phố luôn ở mức cao và là một trong số ít địa phương đứng đầu cả nước. Thành phố cũng chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá các bậc học. Thành phố coi trọng giáo dục tư tưởng chính trị đạo đức lối sống, phẩm chất công dân, lý tưởng cách mạng với nhiều hình thức sinh động, hấp dẫn hiệu quả thu hút học sinh tham gia tương đối đông, được phụ huynh và xã hội đồng tình ủng hộ. "Thành phố cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện Nghị quyết 29. Đồng thời, mạnh dạn thí điểm theo thẩm quyền của Thành phố đối với những vấn đề mới trong lĩnh vực này", ông Võ Văn Thưởng nhấn mạnh./.