Bài 1: Những đại học tiên phong lập doanh nghiệp

(VOH) - Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2018 chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019.

Luật Giáo dục đại học có nhiều thay đổi lớn ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, đánh dấu một bước ngoặt cho các trường đại học Việt Nam chuyển mình.

Loạt bài “Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018: Từ luật đến thực tiễn” sẽ đề cập đến vấn đề lập doanh nghiệp vào cơ cấu tổ chức của một trường đại học; vấn đề không phân biệt các loại hình đào tạo thể hiện trên văn bằng; vấn đề quyền tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình.

Thành lập doanh nghiệp trong trường đại học là một khái niệm mới thể hiện sự hội nhập quốc tế về giáo dục, đã được cụ thể hóa tại Luật Giáo dục Đại học sửa đổi 2018, chính thức có hiệu lực vào 1/7/2019.

Sự kiện này sẽ tạo điều kiện cho các trường đại học phát huy tối đa việc ứng dụng các thành tựu nghiên cứu khoa học vào thực tiễn, cũng như nâng cao khả năng thương mại hóa các thành tựu nghiên cứu khoa học này.

Bên cạnh đó, thông qua các sản phẩm được thương mại hóa bởi “doanh nghiệp” sẽ tăng thêm nguồn thu phục vụ quá trình tự chủ đại học và tái đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học tại các cơ sở giáo dục.

Sau 25 năm hoạt động, Trung tâm Nghiên cứu công nghệ và thiết bị công nghiệp, trực thuộc Trường Đại học Bách Khoa chính thức bước sang trang mới: Công ty Cổ phần Khoa học Công nghệ Bách khoa TPHCM.

Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018

Đại học Bách khoa TPHCM là một trong những trường tiên phong thành lập doanh nghiệp 

Đây là mô hình Công ty Cổ phần điển hình đầu tiên trong hệ thống Đại học Quốc gia Thành phố nói chung và Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia TPHCM nói riêng.

Trường Đại học Bách Khoa sở hữu 28% cổ phần, vốn điều lệ hơn 4 tỷ đồng. Phó Giáo sư Tiến sĩ Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng trường cũng đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty – một chức danh mà người đứng đầu một cơ sở giáo dục công lập trước đây là không thể.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Mai Thanh Phong chia sẻ, trường đại học bên cạnh chức năng là đào tạo và nghiên cứu khoa học thì trường vẫn cần những hoạt động khác nhằm đưa sản phẩm nghiên cứu khoa học công nghệ của mình ra thị trường một cách thuận lợi hơn.

“Trước đây, hoạt động này chủ yếu thông qua các Trung tâm – ví dụ như trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, nhưng những trung tâm đó vẫn là đơn vị sự nghiệp mặc dù tự hạch toán kinh doanh. Nguồn đầu tư của Nhà nước và của Trường hầu như không có bởi những khó khăn của Trường cũng như Nhà nước, cho nên các trung tâm hoạt động rất khó khăn.

Đó là lý do vì sao chúng tôi muốn cổ phần hóa hoặc thành lập doanh nghiệp. Bởi nếu như công ty cổ phần hoặc doanh nghiệp được lập mới thì bản thân công ty đó có điều kiện để huy động các nguồn lực từ bên ngoài” – ông Phong đánh giá.

Với kỳ vọng là một trong các đơn vị dẫn đầu của cả nước về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong nhiều lĩnh vực, doanh nghiệp này sử dụng những thành tựu nghiên cứu và phát triển công nghệ áp dụng vào đời sống qua các dự án triển khai thực tế, mang lại giá trị hiệu quả cho doanh nghiệp.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Đậu Văn Ngọ, Tổng Giám đốc công ty cho hay, Công ty Cổ phần Khoa học Công nghệ Bách khoa TPHCM còn là một trung tâm nghiên cứu đầu ngành dành cho cán bộ nghiên cứu và sinh viên trường Đại học Bách Khoa thực hiện các nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học trong nước và thế giới.

Theo ông Ngọ: “Trên cơ sở kêu gọi được vốn, công ty sẽ thành lập 2 trung tâm: Trung tâm kiểm định và hiệu chỉnh thiết bị đo lường, trung tâm này đang hình thành sắp đi vào hoạt động. Khi trung tâm này ra đời, sẽ đi kiểm định, hiệu chỉnh những thiết bị cho các nhà máy về những sai số, trung tâm tập trung các nhà khoa học từ trường đại học, được tiếp thu kiến thức nước ngoài.

Chúng tôi cũng sẽ sắm những thiết bị hiện đại để kiểm định, hiệu chỉnh cho các thiết bị trong các công ty, xí nghiệp, trong sản xuất. Thứ hai là Trung tâm Kiểm định môi trường, chúng tôi cố gắng sang năm hình thành”.

Đầu tháng 4 năm nay, Công ty TNHH Dịch vụ Khoa học và Du lịch Văn Khoa, trực thuộc trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TPHCM chính thức ra mắt.

Công ty này là đơn vị hoạt động độc lập theo Luật Doanh nghiệp với ba lĩnh vực dịch vụ chính là khoa học, đào tạo và du lịch. Trong đó vốn điều lệ của công ty là 2 tỉ đồng.

Sở hữu một công ty trong trường đại học là một nhu cầu tất yếu giúp nhà trường kiện toàn bộ máy tổ chức cũng như tiến tới chủ động trong việc vận hành các hoạt động phụ trợ để hỗ trợ tốt hơn cho công tác đào tạo và nghiên cứu, đồng thời giúp nhà trường phát huy hơn nữa vai trò đối với xã hội, đối với cộng đồng.

Tiến sĩ Trần Anh Tiến, Giám đốc công ty cho biết, xét về công việc thì hiện hoạt động công ty có nhiều thuận lợi: “Công ty của Trường sẽ hỗ trợ cho các đơn vị trong Trường trong việc tổ chức, nơi thực tập cho sinh viên, sử dụng nguồn nhân lực là cán bộ giảng viên, sinh viên của Trường tham gia vào các hoạt động của công ty. Một số hoạt động khác như hợp tác với địa phương, ví dụ như sử dụng các kết quả đề tài nghiên cứu khoa học của Trường để làm các chương trình tour cho giảng viên, sinh viên trong Trường và đối tác ở ngoài. Công ty còn tham gia tư vấn cho các địa phương trong phát triển du lịch. Do đó, với tư cách pháp nhân là công ty, dễ dàng hơn cho Trường trong việc mang các sản phẩm nghiên cứu của Trường giới thiệu đến các địa phương, các đơn vị bên ngoài”.

Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho rằng, mô hình công ty trong trường đại học với mục đích kết nối đào tạo và doanh nghiệp ngày càng chặt chẽ hơn – đây cũng là mô hình thành công mà các trường đại học trên thế giới đã áp dụng.

Tiến sĩ Hạ nêu ý kiến: “Để kết hợp giữa trường đại học với doanh nghiệp thì có nhiều hướng khác nhau. Ví dụ, từ xây dựng, chuyển giao công nghệ và ứng dụng giá trị công nghệ đó chuyển giao cho các doanh nghiệp, xây dựng thành những giá trị thương mại để doanh nghiệp khai thác nó, còn trường đại học thì có lợi nhuận, doanh nghiệp cũng có lợi nhuận. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cũng là một nơi lần đầu tiên thành lập công ty, tôi nghĩ đây là một hướng để kết nối giữa doanh nghiệp với trường đại học”.

Như vậy, đến nay, Đại học Quốc gia TPHCM là đơn vị tiên phong có hai trường thành viên thành lập doanh nghiệp. Hai doanh nghiệp này ra đời với mục tiêu làm cầu nối giữa trường đại học với các doanh nghiệp và địa phương, hỗ trợ cho công tác đào tạo và nghiên cứu, cũng như giúp nhà trường phát huy vai trò của mình đối với cộng đồng, xã hội.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Huỳnh Thành Đạt – Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM cho hay, tại Đại học Quốc gia TPHCM hiện nay, nguồn thu trung bình hàng năm từ hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ của toàn hệ thống đạt 400 tỉ/năm chiếm 25% tổng thu của Đại học Quốc gia TPHCM

“Trong thời gian tới, Đại học Quốc gia TPHCM sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc tăng thêm nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ cũng như nâng cao khả năng ứng dụng và thương mại hóa các thành tựu nghiên cứu khoa học thông qua tổ chức “doanh nghiệp” trong trường đại học phục vụ quá trình tự chủ đại học và hoàn thiện mô hình đại học nghiên cứu kiểu mẫu tại Việt Nam” - Phó Giáo sư Tiến sĩ Huỳnh Thành Đạt cho hay.

Mới đây, Quỹ phát triển Đại học Quốc gia TPHCM cũng đã chính thức thông qua việc góp vốn thành lập Công ty Cổ phần Năng lượng mới Trí Hưng - Công ty Cổ phần đầu tiên do một Quỹ giáo dục đặc thù, đầu tiên trên cả nước góp vốn thành lập.

Việc thành lập công ty trong trường đại học là hoàn toàn đúng chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, phù hợp với chiến lược phát triển của Đại học Quốc gia TPHCM trong bối cảnh kinh tế thị trường và tự chủ đại học hiện nay.

12/12 học sinh Việt Nam đạt huy chương tại cuộc thi Olympiad Toán học Tổng hợp thế giới 2019 - Tại vòng chung kết cuộc thi Olympiad Toán học Tổng hợp thế giới - World MathFusion Olympiad 2019, 12/12 học sinh Việt Nam tham gia đều đạt huy chương sau hai phần thi cá nhân và đồng ...

Apple kiếm được hơn 500 USD trên mỗi chiếc iPhone - iPhone Xs Max đang được bán với giá 1.099 USD, gấp gần 3 lần tổng chi phí các linh kiện sản xuất bên trong.