[Bài 3] Tuyển sinh 2018: Hướng nghiệp kết hợp với phân luồng học sinh

(VOH) - Để định hướng nghề nghiệp đạt hiệu quả, việc tư vấn hướng nghiệp không chờ đến khi chuẩn bị kỳ thi mới thực hiện mà phải được định hướng rõ ràng từ rất sớm.

Đồng thời, việc hướng nghiệp phải được kết hợp với công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở thì mới có thể giải quyết được cái gốc rễ của bài toán nhu cầu nhân lực. Hoạt động hướng nghiệp cũng cần đòi hỏi sự chuyên nghiệp hơn.

Đài TNND TPHCM (VOH) phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Chuyên gia tuyển sinh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam xung quanh vấn đề này. 

Nghe audio phòng vấn Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa

 Hoặc đọc nội dung phỏng vấn phía dưới

Ảnh minh họa

* VOH: Thưa ông, một thay đổi của Quy chế tuyển sinh 2018 là việc giảm nửa số điểm ưu tiên khu vực với mức chênh lệch giữa hai khu vực kế tiếp là 0,25 điểm; so với các năm trước là 0,5 điểm. Theo ông sự thay đổi này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi thí sinh như thế nào?

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa: Trước đây 10 năm, khoảng cách ưu tiên giữa các khu vực là 1 điểm chứ không phải 0,5 điểm như thời gian qua. Sau một thời gian thì việc đào tạo, giáo dục ở các vùng miền đã tương đối cân bằng với nhau.

Sau khi xem xét kết quả của những năm thi cử gần đây, khoảng cách về điểm giữa các thí sinh không còn chênh lệch quá lớn như những năm trước nữa. Cho nên việc rút ngắn khoảng cách ưu tiên khu vực giảm xuống 50% so với năm 2017, tôi thấy hợp lý hơn.

Thực tế ở năm 2017, khi xét tuyển cho thấy có một số ngành nghề thu hút thí sinh, những thí sinh được ưu tiên khu vực gần như chiếm hết các vị trí top đầu của những ngành này.

Việc chiếm tỷ lệ phần trăm lớn trong những ngành hấp dẫn thí sinh đó lại là do điểm ưu tiên khu vực. Tôi cho rằng điều này không hợp lý lắm.

Do đó, việc điều chỉnh giảm 50% điểm ưu tiên trong kỳ xét tuyển sắp tới sẽ hợp lý hơn để có thể giữ được tỷ lệ cân bằng trong tuyển sinh của các trường đại học đối với các thí sinh ở vùng miền khác nhau.

* VOH: Là người gắn bó với công tác tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp, ông đánh giá quan điểm chọn ngành chọn trường qua từng giai đoạn có những thay đổi ra sao?

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa: Với một thí sinh chưa thi Trung học phổ thông Quốc Gia lần nào, với một thí sinh chuẩn bị bước vào đời, và trước khi bước vào đời phải qua một thời gian được tiếp tục đào tạo mang tính chất chuyên nghiệp chuyên môn, thì việc chọn ngành chọn trường là một vấn đề rất lớn.

Nếu như không có sự hỗ trợ của gia đình, thầy cô đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm, của phương tiện truyền thông để các em có thêm thông tin….thì việc chọn lựa ngành học, định hướng bậc học của các em sẽ rất mênh mông.

Vì vậy, tôi nghĩ công tác tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp trong thời gian tới vẫn phải còn tiếp tục. Thậm chí chúng ta còn phải nghĩ đến chuyện tư vấn hướng nghiệp cho thí sinh kết hợp với định hướng phân luồng của giáo dục Việt Nam.

Trong đó việc định hướng phân luồng cho học sinh theo định hướng nghề nghiệp không phải đợi đến thi Trung học phổ thông Quốc gia mới thực hiện, mà phải thực hiện ở giai đoạn sớm hơn khi các em thi chuyển cấp từ lớp 9 lên lớp 10.

Tôi nghĩ nếu làm được như vậy thì khi kết thúc lớp 12 việc hướng nghiệp sẽ nhẹ nhàng hơn, do các em đã được định hướng sớm. Do vậy, cần phải có đội ngũ thầy cô giáo làm công việc hướng nghiệp cho học sinh chuyên nghiệp hơn, được cập nhập đầy đủ hơn về chiến lược phát triển kinh tế của cả nước, của địa phương.

Từ đó, thầy cô có thể cung cấp thông tin cho học sinh để các em có hướng đi và chọn lựa.

* VOH: Thưa ông, trong bối cảnh chúng ta nhắc nhiều đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, quan niệm về ngành “hot” trong xã hội, học ngành nào ra trường có việc làm ngay….có ảnh hưởng đến sự chọn lựa ngành nghề của thí sinh hay không ?

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa: Những thông tin về ngành học nào sau khi tốt nghiệp dễ tìm việc làm vẫn là những thông tin hấp dẫn thí sinh, vẫn được định hướng hoặc tự định hướng theo những thông tin là học ngành nào thì dễ, ra trường tìm việc dễ dàng, thu nhập cao. Đó là lẽ tự nhiên.

Tuy nhiên, chúng ta cần phải định hướng chính xác hoặc ở mức tương đối chấp nhận được về dự đoán phát triển của các ngành nghề trong tương lai gần từ 2-4 năm. Để khi các em ra trường có thể tiếp cận thực tế mà trước đó đã được hình dung.

Tôi nghĩ như vậy sẽ làm cho các em tự tin hơn.

Tuy nhiên, trong bối cảnh các ngành nghề kinh tế phát triển rất nhanh và bối cảnh chung của thế giới là bước vào cách mạng công nghiệp 4.0. Rõ ràng dự báo ngành nào, nghề nào trong tương lai gần có thể thất nghiệp, dễ tìm việc làm là một vấn đề lớn mà ngay cả các nước tiên tiến trên thế giới cũng chưa thể dự báo được.

Chính các trường đại học cũng phải dự báo để mở những ngành mới cho phù hợp với xu thế phát triển kinh tế xã hội không chỉ thế giới mà cả của Việt Nam.

* VOH: Bắt đầu từ 1/4, thí sinh đăng ký hồ sơ dự thi Trung học Phổ thông Quốc gia và tuyển sinh 2018. Ông có lời khuyên nào dành cho thí sinh ?

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa: Đối với học sinh lớp 12, dù các em chọn bậc học nào hay chỉ thi để tốt nghiệp Trung học phổ thông thì cũng phải hoàn thành tốt nhất kỳ thi Trung học phổ thông Quốc Gia với số điểm tốt nhất.

Riêng đối với các em tiếp tục xét tuyển vào đại học cao đẳng, việc chọn bài thi cho phù hợp với các môn thi mà các em sẽ dùng để xét tuyển phải phù hợp, để làm sao cho kết quả bài thi, môn thi cao nhất mới có cơ hội trúng tuyển.

Do vậy, khi chuẩn bị làm hồ sơ đăng ký thi Trung học phổ thông Quốc gia, các em phải xem lại kết quả học tập của mình, xem lại sở thích, đam mê, nguyện vọng cũng như năng lực học tập của mình, từ đó quyết định chọn môn thi, bài thi nào; trong Phiếu đăng ký xét tuyển các em chọn ngành nào, trường nào với tổ hợp môn xét tuyển nào.

Tôi nghĩ, nếu các em cân nhắc, được tư vấn đầy đủ, các em sẽ có quyết định phù hợp cho lựa chọn của mình.

* VOH: Cám ơn ông!

>>>> Xem thêm thông tin tuyển sinh 2018 của các trường