Biến vỏ sầu riêng thành nhiều sản phẩm hữu ích

VOH - Nhận thấy sầu riêng - loại trái cây có giá trị kinh tế cao nhưng lại thải ra một lượng lớn vỏ sau khi tiêu thụ, nhóm sinh viên đã nghiên cứu, phát triển các sản phẩm hữu ích từ vỏ sầu riêng.

Nhóm nghiên cứu từ Khoa Kỹ thuật Hóa học và Khoa Môi trường trực thuộc trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM) vừa phát triển 2 dòng sản phẩm từ vỏ sầu riêng.

Cụ thể là Duri Extract (Gen 1) - các sản phẩm chiết xuất từ vỏ sầu riêng bao gồm Pectin, cao chiết, xơ, lignin có thể ứng dụng sử dụng cho ngành công nghiệp thực phẩm và mỹ phẩm. Và Duri Elite (Gen 2) - dòng sản phẩm ứng dụng từ vỏ sầu riêng được phát triển dựa trên Gen 1 như màng bọc thực phẩm sinh học, dung dịch bảo quản thực phẩm và Nanocellulose.

Nhóm sử dụng quy trình sản xuất đơn giản, thân thiện với môi trường, không sử dụng hóa chất độc hại, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng và môi trường, giúp sản phẩm dễ bảo quản và an toàn khi tiếp xúc với thực phẩm.

vo-sau-rieng- 141024
Một số sản phẩm do nhóm nghiên cứu

Sinh viên Trương Hữu Minh Thi – một thành viên của nhóm cho biết, ở quy mô phòng thí nghiệm, nhóm tiến hành thu gom vỏ từ các vựa kinh doanh sầu riêng trên địa bàn TPHCM. Sau đó, nhóm thực hiện công đoạn vệ sinh và phân tách vỏ trắng và vỏ xanh để xử lý thành các dòng sản phẩm khác nhau.

Vì đặc tính dễ ẩm mốc của vỏ sầu riêng nên nhóm đã xây dựng một phương pháp bảo quản riêng, có thể giữ ổn định hiệu suất chiết tách từ nguồn sinh khối và vẫn đảm bảo tính an toàn và chất lượng của sản phẩm đầu ra.

“Tất cả các quá trình chuyển hóa từ nguồn vỏ sầu riêng để ra các thành phẩm của nhóm đều sử dụng những quy trình xanh và các nguồn nguyên liệu an toàn với con người nên có thể khẳng định rằng các dòng sản phẩm của nhóm an toàn và thân thiện với người tiêu dùng” – Minh Thi khẳng định.

Sinh viên Nguyễn Dương Thanh Thảo thông tin thêm, trong tương lai ở quy mô công nghiệp, nhóm đặt mục tiêu sẽ liên kết hợp tác với các công ty xuất khẩu sầu riêng đông lạnh để đảm bảo nguồn cung vỏ sầu riêng ổn định.

Nhóm dự kiến ứng dụng công nghệ kết hợp với các nhà máy sản xuất sầu riêng bóc vỏ đông lạnh để làm nguồn nguyên liệu  cũng như đa dạng hóa nguồn cung từ các cơ sở kinh kinh doanh nhỏ lẻ khác. Từ đó, nhóm xử lý và tiến hành bảo quản bằng phương pháp riêng, đảm bảo nguồn cung không gián đoạn.

 

 

 

 

vo-sau-rieng- 141024-1
Dự án biến vỏ sầu riêng thành vật liệu thân thiện môi trường vừa được trao giải Nhì tại cuộc thi Bách Khoa Innovation 2024

Trong những năm gần đây, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu sầu riêng hàng đầu khu vực, đặc biệt là sau khi ký kết nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc.

Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu khoảng 500.000 tấn sầu riêng, mang về 2,3 tỷ USD, với 90% sản lượng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Sầu riêng đông lạnh, một sản phẩm mới với giá trị gia tăng cao hơn sầu riêng tươi, dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng, với kim ngạch xuất khẩu có thể đạt từ 400 đến 500 triệu USD trong năm 2024. Tuy nhiên, việc xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sẽ có thể thải ra lượng vỏ sầu riêng khổng lồ.

Vỏ sầu riêng chiếm tới 70% tổng khối lượng của trái và chưa có một công nghệ nào xử lý vỏ sầu riêng một cách hiệu quả, Người ta thường chôn vỏ sầu riêng xuống đất hoặc thải trực tiếp ra sông hồ gây ô nhiễm môi trường.

Theo đánh giá của PGS.TS. Lê Thị Kim Phụng - một chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyển hoá phế phụ phẩm nông nghiệp, nơi nhóm thực hiện nghiên cứu - dù các nghiên cứu của nhóm đang ở giai đoạn hoàn thiện công nghệ và chuyển đổi quy mô nhằm thương mại hoá sản phẩm, nhưng đây là dự án tiềm năng hứa hẹn sẽ mang lại lợi ích cho môi trường và xã hội.

Vỏ sầu riêng là một nguồn nguyên liệu tiềm năng chưa được khai thác đúng cách. Việc biến vỏ sầu riêng thành nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất giúp giảm thiểu lượng rác thải nông nghiệp và tạo ra sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu của thị trường - đang ngày càng quan tâm đến các giải pháp xanh và bền vững - PGS.TS Lê Thị Kim Phụng khẳng định.

Bình luận