Sáng nay (6/6), các thí sinh tại TPHCM thi môn đầu tiên – môn Ngữ văn – trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024 - 2025.
Đề Ngữ văn gồm 3 câu hỏi lớn tương ứng nội dung đọc hiểu, nghị luận xã hội và nghị luận văn học với nội dung xuyên suốt là tình cảm, tình yêu đối với con người và cuộc sống.
Trong đó, phần nghị luận văn học thí sinh có thể chọn tác phẩm “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng hoặc chọn một tác phẩm thơ hay đoạn thơ bất kì để phân tích.
Thí sinh Nguyễn Hoàng Anh, lớp 9/3, trường THCS Huỳnh Khương Ninh (Quận 1) cho biết, khả năng làm bài của em trên 80%. Đề thi khá nhẹ nhàng với các bạn thí sinh. Hoàng Anh ấn tượng với phần nghị luận yêu cầu trình bày quan điểm “Biết nghĩ bằng con tim”.
“Theo em mình phải biết suy nghĩ bằng trái tim, biết nghĩ về người khác chứ không chỉ nghĩ về bản thân mình quá nhiều. Có nhiều quyết định phải nghĩ bằng trái tim của mình. Em lấy từ thực tế bản thân và thông tin trên báo đài trường hợp anh shipper trong vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội, suy nghĩ bằng trái tim nên anh đã không chần chừ trong việc cứu người” - Hoàng Anh chia sẻ.
Đánh giá chung của nhiều giáo viên Ngữ văn, câu nghị luận xã hội “Biết nghĩ bằng con tim” là câu có tính phân hóa cao. Tuy nhiên, học sinh sẽ không cảm thấy quá nặng nề, ngược lại các em có nhiều ý tưởng để viết cho đề bài này. Tuy nhiên, để đạt được điểm cao (2.5/3.0 trở lên) thì không dễ.
Giáo viên Nguyễn Ngọc Phù Dung, Trưởng nhóm Ngữ văn 9, Trường THCS Lạc Hồng (Quận 10) cho rằng: “Thực tế, đánh giá một vấn đề không chỉ dùng ở tình cảm mà còn cần có nhận thức để đánh giá khách quan. Đôi khi học sinh lớp 9 khó để nhìn ra vấn đề này, các em sẽ thiên về tình cảm nhiều hơn do trải nghiệm chưa nhiều. Chỉ đánh giá bằng tình cảm đôi khi sẽ mắc những sai lầm nên con người cần nhận thức để soi chiếu để biết được đúng, sai. Nhiều thí sinh khả năng khó làm câu này đạt điểm tuyệt đối”.
Theo giáo viên Võ Kim Bảo, Trường THCS Nguyễn Du (Quận 1), để làm tốt phần nghị luận này thí sinh phải đưa ra được lý giải của mình “nghĩ bằng con tim” là như thế nào? Có được lý giải hợp lý các em mới có thể tìm ra những luận điểm phù hợp. Người viết phải có cái nhìn đa chiều, đưa ra những kiến giải rất sâu sắc mới được đánh giá cao.
Giáo viên Võ Kim Bảo nhận xét: “Điểm đáng ghi nhận của đề Ngữ văn năm nay là vẫn giữ kiểu đề mở cho học sinh tự do thể hiện được quan điểm của mình. Đề cũng không buộc học sinh phải học thuộc lòng bất kỳ tác phẩm cụ thể nào và có thể nêu cảm nhận về bất kỳ tác phẩm nào mà thí sinh yêu thích, nắm rõ”.
Theo thầy Bảo, TPHCM đang đi đúng hướng phát triển phẩm chất và năng lực dù đây là bài học trong chương trình sách giáo khoa cũ (2006) nhưng đề bài đáp ứng được yêu cầu Chương trình Giáo dục phổ thông mới (2018) là phát triển phẩm chất năng lực cho học sinh.