Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp nhận tài trợ chương trình “Máy tính cho em”

(VOH) - Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức Lễ tiếp nhận tài trợ (lần thứ nhất) Chương trình “Máy tính cho em”.

Sau 1 tháng triển khai Chương trình “Máy tính cho em” trên toàn quốc, chương trình được nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của toàn xã hội.

bo-giao-duc-va-dao-tao-tiep-nhan-tai-tro-chuong-trinh-may-tinh-cho-em-voh.com.vn-anh1
Bộ GD-ĐT tiếp nhận ủng hộ chương trình “Máy tính cho em”. (Ảnh: thanhuytphcm)

Có 54/63 Sở Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn Giáo dục tỉnh, thành phố đã triển khai chương trình và huy động được hơn 43 tỷ đồng do cán bộ nhà giáo, người lao động tham gia ủng hộ; Hơn 57 tỷ đồng huy động được từ các nguồn hỗ trợ khác; Hơn 12.000 máy tính và máy tính bảng; hơn 16.000 điện thoại thông minh và 74.000 thiết bị hỗ trợ học tập khác.

Các đại học, các trường đại học, cao đẳng sư phạm và các đơn vị trực thuộc ngành, đóng góp về tài khoản Công đoàn Giáo dục Việt Nam hơn 7 tỷ đồng.

Hiện nay, chương trình vẫn đang triển khai ở các tỉnh/thành phố, các trường đại học trên cả nước.

Trước đó vào ngày 12/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động Chương trình “Sóng và Máy tính cho em” trên toàn quốc. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) và Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã phát động Chương trình quyên góp, ủng hộ “Máy tính cho em” nhằm vận động, huy động mọi nguồn lực trong toàn ngành giáo dục và đào tạo ủng hộ kinh phí, thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh chưa có và không có khả năng mua thiết bị học tập trực tuyến, trước mắt ưu tiên các địa phương khó khăn, vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.

Tổng cộng sau hơn 1 tháng phát động, đã quyên góp được hơn 108 tỷ đồng, trên 12.000 máy tính bảng. Số thiết bị đạt chuẩn sẽ được chuyển trực tiếp đến 3 đối tượng là con hộ nghèo, cận nghèo, học sinh mồ côi do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Số còn lại chuyển cho các em học sinh khó khăn khác.

Nhiều chính sách thúc đẩy hệ thống đào tạo sư phạm phát triển

Chủ trì cuộc họp trực tuyến với các trường đại học sư phạm, các cơ sở đào tạo giáo viên trên cả nước mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh đến quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm.

Theo Bộ trưởng, đây là việc lớn, khó và cần được thực hiện một cách bài bản; cả về cách bố trí không gian, dự báo nhu cầu, sự tương tác trong hệ thống, quy hoạch cả trên phương diện đầu tư, cơ sở vật chất, hoạt động chuyên môn… Việc quy hoạch chỉ thực hiện tốt được khi đã rõ ràng về mô hình hoạt động của các trường và xu thế các trường thuộc nhóm ngành này.

Bộ trưởng lưu ý đến việc phải kết nối mạnh mẽ hơn nữa giữa hệ thống sư phạm và phổ thông, các Sở Giáo dục và Đào tạo. Với các trường sư phạm có xu hướng phát triển theo định hướng nghiên cứu, cần quan tâm phát triển khoa học giáo dục. Cả nước hiện có 56 trường đại học đào tạo sư phạm, với 31 ngành đào tạo trình độ đại học; 1 ngành ở trình độ cao đẳng.