Đây là chủ đề nóng trong ngành giáo dục Việt Nam hiện nay và đã thu hút gần 800 đại biểu là lãnh đạo, chuyên gia cấp cao đến từ khoảng 300 đơn vị trong lĩnh vực giáo dục đại học tại Việt Nam và Úc.
Tọa đàm kỳ vọng cung cấp nền tảng để các cơ quan quản lý nhà nước, các trường đại học tại Việt Nam chia sẻ góc nhìn về bảo đảm chất lượng đào tạo trực tuyến giáo dục đại học tại Việt Nam.
Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Giáo sư Tiến sĩ Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, dưới góc độ quản lý nhà nước thì việc hoàn thiện bộ công cụ để đánh giá chất lượng chương trình đào tạo từ xa ở trình độ đại học là một việc cần phải tiếp tục hoàn thiện, đặc biệt là trong bối cảnh thay đổi rất nhanh, khoa học công nghệ phát triển rất nhanh như hiện nay.
Ông Trinh đưa ra ví dụ: “Trong các thành tố để làm nên chất lượng giáo dục đào tạo từ xa trình độ đại học, vai trò của học liệu cực kỳ quan trọng. Kế đến là các trang thiết bị, cơ sở vật chất để tổ chức đào tạo. Nhưng nó cũng sẽ có những yếu tố phi truyền thống, chẳng hạn như bên cạnh đội ngũ giảng viên truyền thống thì còn có thể có giảng viên ảo trong môi trường đào tạo này. Vậy, vai trò của giảng viên ảo như thế nào trong quá trình triển khai đào tạo. Việc quản lý các khóa đào tạo trên ra sao, sự tham gia của người học có tích cực hay không, công tác kiểm tra đánh giá thế nào…
Đó là một chuỗi các vấn đề thách thức, chúng ta cần phải có tư duy mới từ cơ sở đào tạo, từ quản lý nhà nước về đào tạo từ xa với một góc nhìn mới”.
Tại Tọa đàm, các diễn giả chia sẻ và thảo luận hai chủ đề chính về bảo đảm chất lượng trong việc xây dựng nội dung đào tạo; Bảo đảm duy trì chất lượng đào tạo trực tuyến giáo dục đại học. Các đại biểu cũng nêu những thách thức hiện có trong việc bảo đảm chất lượng trực tuyến giáo dục đại học tại Việt Nam đang phải đối mặt, chia sẻ kinh nghiệm của Úc trong lĩnh vực này.
Đại diện Cơ quan Quản lý chất lượng và Tiêu chuẩn giáo dục đại học Úc (TEQSA) đã chia sẻ về hợp tác thành công giữa cơ quan này với các tổ chức giáo dục đại học toàn cầu, trong đó có RMIT, để thu thập và xây dựng tài liệu về phương pháp học tập tốt trực tuyến cũng như trang tư vấn chuyên gia dành riêng cho giáo dục trực tuyến.
Những tài liệu này bao quát nhiều chủ đề liên quan đến dạy và học trực tuyến, từ cách bắt đầu và hỗ trợ cán bộ giảng viên làm việc trực tuyến, đến trải nghiệm của sinh viên và tính liêm chính trong hoạt động đánh giá khảo thí.
Giáo sư Sherman Young, Quyền Thừa hành Phó chủ tịch Hội đồng trường (phụ trách Giáo dục) kiêm Phó giám đốc Đại học RMIT nhấn mạnh vào các yếu tố quan trọng khác như hiểu biết sát thực về tiến bộ của người học.
“Sinh viên RMIT học thông qua các dự án trong thế giới thực và được đánh giá theo cách giống như khi các em đi làm ở từng ngành nghề. Ngay cả trong môi trường trực tuyến, chúng tôi cũng cố gắng đảm bảo rằng mọi môn học đều tạo điều kiện cho sinh viên đạt được kết quả học tập như mong đợi bất kể hình thức học tập là gì” - Giáo sư Young nói.
Phó giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định: “Bất kể hình thức giảng dạy là gì thì chất lượng nội dung cũng như trải nghiệm và kết quả học tập của sinh viên cũng phải được duy trì ở tiêu chuẩn cao nhất có thể. Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích những thảo luận mở như thế này để các nhà hoạch định chính sách và các trường đại học tại Việt Nam có thể cùng trao đổi về vấn đề bảo đảm chất lượng, góp phần cải thiện khung pháp lý để thúc đẩy giáo dục trực tuyến và đẩy mạnh chuyển đổi số và số hóa trong giáo dục đại học tại Việt Nam”.