Đây là chia sẻ của ông Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Diễn đàn Phát triển hợp tác Nhà trường và Doanh nghiệp với chủ đề Vai trò của Nhà nước trong thúc đẩy hợp tác Nhà trường và Doanh nghiệp diễn ra sáng 26/5.
Theo ông Phạm Như Nghệ, từ năm 2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn và yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học hằng năm khảo sát và báo cáo về tình hình việc làm của sinh viên trong vòng 12 tháng sau khi được công nhận tốt nghiệp.
Kết quả cho thấy, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm luôn đạt trên 70% tùy trường, tuy nhiên, các trường không thống kê chính xác sinh viên có làm đúng ngành đào tạo hay không và mức lương bao nhiêu?
Ông Nghệ nhận định, trong khi một số ngành, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm rất cao (như công nghệ thông tin, kỹ thuật công nghệ, sức khỏe…), thì vẫn còn tình trạng sinh viên thất nghiệp sau khi tốt nghiệp, ảnh hưởng rất nhiều đến chi phí đào tạo, lãng phí nguồn lực xã hội.
Ngoài ra, do số lượng vị trí việc làm mới hàng năm luôn thấp hơn so với lượng sinh viên tốt nghiệp nên có một thực tế là nhiều sinh viên sau khi ra trường không dễ tìm việc làm.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, theo ông Nghệ là do sinh viên chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động, của doanh nghiệp; quá trình đào tạo của các trường đại học còn mang nặng lý thuyết, chất lượng đào tạo chưa cao; do sự “lệch pha” trong cung ứng số lượng lao động so các ngành nghề xã hội cần…
Ông Nghệ chỉ ra thực tế, một số trường mong muốn có được thông tin về quy hoạch nguồn nhân lực của các địa phương để xây dựng chương trình, chỉ tiêu đào tạo phù hợp… nhưng rất khó. Điều này là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự mất cân bằng giữa cung cầu đào tạo.
Bên cạnh đó, dù các trường đại học có định hướng hợp tác với doanh nghiệp để cùng tham gia vào đào tạo, huy động chuyên gia giỏi của doanh nghiệp vào giảng dạy, hướng dẫn thực hành… nhưng vướng một số quy định và nhiều doanh nghiệp cũng không mặn mà với việc tham gia vào quá trình đào tạo.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, để tăng tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm, thì đào tạo đại học gắn với nhu cầu của thị trường lao động vô cùng quan trọng và công tác quy hoạch nhân lực là yếu tố có tính quyết định.
Ông cho rằng, ngoài việc tăng cường sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp trong giảng dạy, nghiên cứu, tạo việc làm, cần xây dựng cơ chế, chính sách cho vay vốn ưu đãi đối với người tốt nghiệp trình độ đại học, cao đẳng có nhu cầu vay vốn khởi nghiệp nhằm khuyến khích sinh viên chủ động tạo việc làm cho bản thân và những người lao động khác…