Trường quốc tế Việt Úc VAS, Quận 7, hiện có hơn 700 học sinh các cấp học, sau Tết học sinh trở lại trường khá đầy đủ.
Bà Nguyễn Thị Bảy, Phó hiệu trưởng trường Quốc tế Việt Úc cơ sở Quận 7, cho biết khi những ca nhiễm đầu tiên xuất hiện, nhà trường khá bối rối nhưng sau đó với sự hỗ trợ hướng dẫn của địa phương, công tác xử lý đã thuận lợi hơn.
Đặc thù phòng học của trường là phòng máy lạnh kín, nên khi có trường hợp F0, các học sinh khác trở thành F1 và được yêu cầu ở nhà cách ly. Điều này khiến cho một số phụ huynh không đồng ý vì các con là F1 nhưng khoẻ mạnh, trong khi ở nhà không có người trông coi.
Nguyện vọng của phụ huynh là F0 nghỉ ở nhà, F1 nếu không có triệu chứng gì nên tiếp tục được đi học.
Nhà trường cũng cho biết, trong suốt 2 năm với các đợt bùng dịch ảnh hưởng nhiều đến tình kinh tế chung và thu nhập của phụ huynh. Tuy nhiên, nhà trường vẫn duy trì đảm bảo đời sống cho hơn 2.000 giáo viên nhân viên bằng việc trả lương 100%.
Riêng khối mầm non suốt 9 tháng qua trường không thu bất kỳ khoản học phí nào nhưng vẫn trả lương đều đặn cho hơn 200 giáo viên cấp học này trong hệ thống.
Ông Lâm Hữu Thu, Quản lý cơ sở nhà trường hệ thống Trường quốc tế Việt Úc cho biết, chiến lược cho năm học mới nhà trường hoàn toàn không tăng mức học phí năm học 2022-2023.
Đại diện trường Việt Úc cho biết quyết định này thể hiện nỗ lực lớn của nhà trường nhằm hỗ trợ phụ huynh học sinh. "Thay vì mọi năm học phí đều tăng vài phần trăm do bù trượt giá, năm nay nhà trường không tăng bất kỳ khoản học phí nào, vẫn giữ đồng bộ và giống học phí năm qua.
Mặc dù thời điểm hiện tại và thời gian sắp tới vật giá, đặc biệt xăng dầu tăng sẽ tác động nhiều lên các mặt đời sống."
Còn tại Trường Trung học phổ thông Tân Phong, tỷ lệ học sinh đến trường trong tuần dao động từ 80-95%. Trường có 108 ca F0/1.625 học sinh và 7 ca F0 là giáo viên.
Trong tình hình khó khăn hiện nay, lãnh đạo nhà trường động viên đội ngũ và học sinh vừa đảm bảo an toàn chống dịch vừa đảm bảo dạy học tốt. Nhà trường cũng đã chủ động lập danh sách đối tượng học sinh có nguy cơ.
Mỗi khi có ca F0, dù đêm khuya, đội ngũ giáo viên nhà trường cũng nhanh chóng rà soát, thông báo phát hiện những trường hợp F1 đề xuất cách ly tại nhà kịp thời. Từ những nỗ lực đó, số F0 của nhà trường không tăng trong tuần lễ này.
Ông Trần Công Bình, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Tân Phong cho biết, hiện kinh phí phòng chống dịch đang sử dụng từ nguồn chi thường xuyên do ngân sách cấp. Nguồn kinh phí để triển khai các hoạt động giáo dục phải được tiết giảm để dành ưu tiên cho công tác phòng dịch. "Tinh thần nhà trường sẽ hết sức cố gắng tiết kiệm để ưu tiên cho công tác phòng chống dịch. Trong công tác phòng chống dịch, nhà trường cũng sử dụng các trang thiết bị tiết kiệm và hiệu quả.
Nhà trường cũng xác định dịch bệnh là điều không ai mong muốn, từ lãnh đạo thành phố đến nhân dân đều nỗ lực và hết sức cố gắng. Vì vậy, đội ngũ giáo viên cũng hết sức cố gắng trên mặt trận giảng dạy và chăm lo cho học sinh. Sức nhà trường đến đâu sẽ cố gắng tốt nhất đến đó."
Ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hoá Xã hội, HĐND Thành phố khẳng định rất đồng cảm, chia sẻ cùng nhà trường. Trong bối cảnh khó khăn nhưng các trường vẫn bảo đảm lương giáo viên, đảm bảo công tác phòng chống dịch.
Thời gian qua, Thành phố có những điều chỉnh nhanh chóng, kịp thời tạo điều kiện thuận lợi cho nhà trường và phụ huynh triển khai dạy học trực tiếp và phòng chống dịch. Tuy nhiên, một số quy định như việc cách ly học sinh F1 phải thực hiện nghiêm, nếu không khả năng lây lan theo cấp số nhân.
"Tôi đánh giá cao các trường dù hết sức khó khăn nhưng các khoản thu đều không tăng, thậm chí giảm như quỹ cha mẹ học sinh, nhằm giảm gánh nặng cho phụ huynh. Điều đó thể hiện sự chia sẻ với phụ huynh.
Tuy nhiên, không thể cắt giảm bất cứ điều gì liên quan công tác phòng chống dịch, đảm bảo khử khuẩn, đảm bảo cơ sở vật chất phòng chống dịch. Trường hợp khó khăn lắm, các trường có thể đề xuất Sở Giáo dục, địa phương quan tâm hỗ trợ hoặc kêu gọi các nguồn xã hội hoá", ông Cao Thanh Bình nói.