Chuyển đổi số trong ngành giáo dục: Để giáo viên có thời gian tương tác với học sinh nhiều hơn

(VOH) - Chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục là một hướng đi tất yếu - không chỉ là sự lựa chọn, mà là điều bắt buộc phải thực hiện đối với ngành giáo dục trong tiến trình phát triển chung của TPHCM.

Theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới thực hiện tại 277 trường học tại TPHCM cho thấy, 88% hiệu trưởng cho biết trường học của họ đã có chiến lược kỹ thuật số hoặc kế hoạch kết hợp sử dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy và quản lý trường học, 89% nhà trường có hỗ trợ giáo viên thử nghiệm các phương pháp giảng dạy mới bằng công nghệ thông tin. Tuy nhiên, khảo sát cũng chỉ ra tình trạng thiếu thiết bị, chất lượng kết nối Internet thấp, chỉ 50% giáo viên thực sự sử dụng thiết bị trong lớp học ít nhất một lần một tuần...

Xung quanh công tác chuyển đối số của ngành giáo dục, phóng viên Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM (VOH) có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM.

TPHCM số hoá 100% dữ liệu ngành giáo dục 1
Một giờ học tại phòng vi tính của học sinh Trường THCS Tân Bình (quận Tân Bình) - Ảnh minh họa: SGGP

*VOH:  Thưa ông mục tiêu của ngành Giáo dục và Đào tạo trong việc ứng dụng chuyển đổi số như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Hiếu: Hiện nay ngành Giáo dục và Đào tạo Thành phố đang xây dựng nền tảng chuyển đổi số ở tất cả ngành học bậc học. Trong đó, tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu dạy học, cở sở dữ liệu quản lý trường học.

Hiện nay, mục tiêu số hoá 100% thông tin về số lượng học sinh, giáo viên, cơ sở vật chất của toàn ngành để thông qua dữ liệu số đó, ngành có thể dự báo tình hình và khắc phục tình trạng thiếu trường lớp, thiếu giáo viên ở những năm sắp tới, cũng như thay đổi hẳn môi trường dạy và học.

Trong kỷ nguyên số, học sinh có thể ở trên lớp, với sự hướng dẫn của giáo viên, dùng cơ sở dữ liệu dạy học của toàn ngành để có thể học ở bất kỳ nơi nào, bất kỳ thời gian nào mà các em có thể học được. Tạo điều kiện cho giáo viên có những sản phẩm giới thiệu bài dạy hay không chỉ cho học sinh của lớp mà cho toàn thành phố hay các tỉnh khác. Đó là sự chia sẻ tài nguyên, trí tuệ của đội ngũ thầy cô giáo cũng được nhân lên.

*VOH:  Khó khăn và những giải pháp để thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Hiếu: Có nhiều khó khăn từ nhận thức, tư duy của người dân, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý. Hiện  nay cũng chưa sẵn sàng đồng bộ về thiết bị, đường truyền, nền tảng dữ liệu số đạt chuẩn. Chúng ta đang xây dựng một cơ sở dữ liệu dạy học - tài nguyên số đạt chuẩn, cần có thời gian, sự chung tay của cộng đồng và đặc biệt là cần có hệ thống văn bản chính sách từ Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo để Thành phố có điều kiện thực hiện chuyển đổi số thuận lợi.

*VOH:  Đợt dịch vừa qua có ý nghĩa như thế nào đối với quá trình chuyển đổi số? Đó có phải là cơ hội cho cho chuyển đổi số, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Hiếu: Đợt dịch vừa qua buộc ngành giáo dục phải thay đổi cách dạy và cách học. Việc giáo viên sử dụng dữ liệu dạy học trực tuyến đã mang lại hiệu quả nhất định trong thời gian qua. Sở Giáo dục và Đào tạo nhận thấy đó là một cơ hội rất lớn để tiếp tục thực hiện chuyển đổi số.

Chúng tôi tiếp tục vận động giáo viên các trường lựa chọn các chuyên đề, những tiết học tốt, xây dựng số hoá nội dung bài dạy để đưa lên nền tảng toàn ngành cho học sinh toàn Thành phố được thụ hưởng. Từ nay đến 2025, nội dung giảng dạy sẽ được chuyển tiếp trên hệ thống trực tuyến của ngành. Mục tiêu hướng đến khoảng 35% nội dung dạy học sẽ thực hiện trên nền tảng số, qua đó, để dành thời gian khi giáo viên đến lớp có thể là tương tác, giao tiếp với học sinh, để quá trình dạy học hiệu quả hơn.

*VOH: Thưa ông, theo các tiêu chí Ngân hàng thế giới đưa ra về công tác chuyển đổi số, Thành phố hiện đang đáp ứng được bao nhiêu tiêu chí?

Ông Nguyễn Văn Hiếu: Rà soát các tiêu chí Ngân hàng thế giới khuyến cáo, tất cả các tiêu chí ngành giáo dục Thành phố đều đang triển khai xây dựng. Tuy nhiên, một số tiêu chí như sự sẵng sàng của đội ngũ giáo viên, cơ hội tiếp cận của học sinh ngoại thành, năng lực tiếp cận vẫn còn một khoảng cách khá lớn. Chúng tôi cũng tiếp tục nghiên cứu những khuyến cáo này, để có thể thay đổi theo định hướng tốt hơn. Tham mưu UBND Thành phố để có những đầu tư, bồi dưỡng giáo viên cũng như trang thiết bị phục vụ chuyển đổi số.

*VOH: Cám ơn ông!   

Bình luận