Vượt qua áp lực và “chiến tích” học tập quá nể
Nguyễn Thị Phương Nghi từng là cựu học sinh trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa, cũng là cựu sinh viên của trường Đại học Quốc tế (ĐHQG-TPHCM).
Cô gái luôn được đánh giá là gương mặt ưu tú trong nhiều năm học, với bảng thành tích mà ai thấy cũng phải trầm trồ như: giải Nhì học sinh giỏi cấp thành phố môn tiếng Anh khi còn là học sinh trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa; dành nhiều giải thưởng, học bổng trong thời gian học tập và làm việc tại Trường Đại học Quốc tế như Học bổng thực tập nghiên cứu tại Viện Khoa học và Công nghệ Áo; Viện Khoa học và Công nghệ Okinawa, Nhật Bản; Đại học Auckland, New Zealand.
Xem thêm: Tuyển sinh 2022: Trường Đại học Quốc tế dành từ 50 - 80% chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp THPT
Phương Nghi từng được trao danh hiệu Sinh viên 5 tốt cấp Trung Ương năm 2015 và 2017; Giải thưởng Honda Y-E-S cho top 10 kĩ sư và nhà khoa học trẻ Việt Nam năm 2018 và cùng năm 2018, cô gái trẻ dành học bổng AmCham Women in Engineering; rồi dành học bổng toàn phần Chevening của Chính phủ Anh cho khóa học Thạc sĩ tại Đại học Cambridge, Anh.
Mới đây nhất, Nghi nhận thư chấp nhận vào chương trình Tiến sĩ tại Khoa Bioengineering (Kỹ thuật sinh học) - Đại học Stanford (Mỹ) với học bổng toàn phần cho 5 năm học tiến sĩ (mức học bổng là toàn bộ học phí, sinh hoạt phí 49.200 đô la Mỹ/năm, bao gồm cả bảo hiểm và một vài chi phí học tập khác).
Để đạt được nhiều thành tích trên chặng đường học tập khá dài của mình - Nghi kể, bạn cũng từng gặp phải những khó khăn như bất kì bạn trẻ nào cũng từng trải qua.
“Trong những khoảng thời gian đầu cấp từ cấp 3, đại học và thạc sĩ, đôi lúc em sẽ cảm thấy có một áp lực vô hình từ chính bản thân khi phải ép mình mau chóng hòa nhập với môi trường học mới và tiếp thu được một lượng kiến thức mới. Áp lực này đôi lúc khiến em cảm giác đuối sức cũng như có những suy nghĩ tiêu cực và cảm giác lạc lối.
Ví dụ như khoảng thời gian 1-2 tháng đầu lúc mới sang Anh học Thạc sĩ, thời tiết đang bước vào mùa đông, trời thường xuyên mưa và lạnh, bầu trời cũng vô cùng ảm đạm, cộng với khối lượng bài vở đồ sộ ở trường nên đôi lúc em cũng cảm giác mất hết sức sống và mất đi động lực học tập”, Nghi nhớ lại.
Những lúc như vậy, Nghi cố gắng dành thời gian lên kế hoạch trước công việc hàng ngày hàng tuần để vừa có thể chuẩn bị trước bài vở trước khi đến lớp, hoàn thành bài tập, đồng thời tham gia các hoạt động cộng đồng ở trường để hòa nhập vào môi trường mới.
Nghi cũng tự đặt ra những mục tiêu nhỏ cụ thể cho bản thân mình mỗi ngày, ví dụ như tập thể dục 30 phút hay soạn bài trong 1 tiếng. Việc hoàn thành những mục tiêu này vừa giúp Nghi có cảm giác tích cực vừa đảm bảo một ngày làm việc năng suất.
Động lực từ những chuyến đi
Do có sở thích đi du lịch, nên mỗi khi có cơ hội tham gia vào các chương trình thực tập hay trao đổi, Nghi luôn tranh thủ thời gian để có thể đi du lịch thêm ở nước sở tại và những nước xung quanh.
Hiện tại, Nghi đã đặt chân đến 25 quốc gia và mong ước có thể đi được số nước bằng với số tuổi của mình.
Việc đi du lịch không chỉ giúp Nghi học hỏi thêm nhiều kiến thức mới về văn hóa, lịch sử, con người mà còn rèn luyện cho bạn khả năng lên kế hoạch, sự chủ động và giải quyết vấn đề khi gặp khó khăn.
Phương Nghi tự nhận là mình may mắn khi được trải nghiệm môi trường học tập và nghiên cứu tại 5 quốc gia ở 3 châu lục khác nhau.
Sau khoảng thời gian học tập tại Việt Nam thì vào năm 2016, Nghi nhận được hai học bổng thực tập tại Viện Khoa học và công nghệ Áo (IST Austria) và Viện Khoa học và công nghệ Okinawa (OIST Japan).
Sau đó, vào năm 2018, Nghi có cơ hội thực tập tại Đại học Auckland, New Zealand, và năm 2019 thì học Thạc sĩ tại Đại học Cambridge (Anh). Mỗi quốc gia có những đặc trưng khác nhau cả trong phương cách giáo dục, lối sống và con người.
Nghi đánh giá: “Ở các quốc gia châu Âu như Áo và Anh, người dân có phong cách học ra học chơi ra chơi, châu Âu cũng rất thú vị với nền văn hóa lịch sử lâu đời và nhiều nơi để du lịch khám phá.
Nhật Bản gây ấn tượng với em bởi sự thân thiện hòa nhã và tinh thần kỷ luật trong công việc của mọi người.
New Zealand lại là một quốc gia yên bình với cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, có lẽ do vậy mà phong thái của mọi người trong công việc cũng rất ôn hòa và điềm đạm, biết cách tận hưởng cuộc sống bên cạnh những giờ làm việc hết mình”.
Tuy nhiên, “đối với em vẫn không có phòng lab nào tuyệt vời hơn ở Khoa Kỹ thuật Y sinh, Trường Đại học Quốc tế, nơi có những thầy cô rất giỏi trong việc giảng dạy và nhiệt huyết trong nghiên cứu đồng thời cũng rất quan tâm sinh viên. Đây cũng là nơi đã gieo hạt mầm yêu thích nghiên cứu khoa học cho em và là cái nôi tuyệt vời giúp em có thể phát triển về mọi mặt trong quãng đời sinh viên.
Môi trường ở đây cũng rất tích cực, mọi người lúc nào cũng hỗ trợ và quan tâm nhau như một gia đình, do đó sau khi tốt nghiệp thạc sĩ, em quay lại Khoa để làm việc, hy vọng có thể đóng góp chút sức lực cho sự phát triển của Khoa và Trường”.
Nghi luôn tự động viên mình rằng “Hãy đặt mục tiêu vươn đến mặt trăng. Vì nếu có thất bại đi nữa, bạn vẫn có thể đáp xuống giữa những vì sao” (Aim for the moon. Even if you miss it, you may land among the stars”.
Cô nàng 9X này tại mỗi thời điểm trong cuộc sống đều luôn đặt ra cho mình mục tiêu để phấn đấu, nhất là không đặt ra bất kì giới hạn nào cho bản thân - bởi vậy, chuỗi ngày học tập và ngiên cứu của Nghi cứ nối dài bằng những suất học bổng.
“Em phải cố gắng hết mình để đạt được những kết quả tốt nhất chứ không tự thỏa hiệp để chấp nhận với những thứ “tạm được”” – Nghi chia sẻ.
Con đường đến Đại học Stanford (Mỹ)
Phương Nghi mong muốn được đi du học thạc sĩ, tiến sĩ và theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu khoa học sau những lần có cơ hội đi thực tập ở nước ngoài. Môi trường học tập ở các nước tiên tiến không chỉ đem lại cho cô gái trẻ cơ hội tiếp cận với những phương thức giáo dục mới cũng như ứng dụng các trang thiết bị hiện đại hỗ trợ cho việc nghiên cứu, mà còn dạy cho Nghi nhiều bài học khác trong cuộc sống như sự tự lập, khả năng tháo vát, ứng biến nhanh trước mọi tình huống.
Sau khi đi thực tập về, Nghi thường tìm hiểu những cơ hội học bổng hỗ trợ việc học thạc sĩ hoặc tiến sĩ ở nước ngoài, đồng thời duy trì điểm số học tập, cũng như tham gia vào các dự án nghiên cứu khoa học tại trường để có thêm kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, Nghi cũng chủ động đăng kí tham dự những buổi hội thảo giới thiệu và chia sẻ kinh nghiệm ứng tuyển học bổng cũng như kết nối với các anh chị cựu sinh viên để có thêm nhiều nguồn thông tin thực tế giúp cho việc nộp học bổng.
Nghi cho biết, quy trình ứng tuyển vào chương trình Tiến sĩ tại Mỹ thường bắt đầu vào tháng 9-12 hằng năm nhưng việc tìm kiếm các trường đại học và giáo viên hướng dẫn phù hợp với định hướng nghiên cứu của mình đã được bạn thực hiện từ 1 năm trước đó.
Sau khi chọn được trường, sinh viên phải chuẩn bị hồ sơ để nộp lên hệ thống ứng tuyển, bao gồm: CV, bảng điểm, bài luận, thư giới thiệu cũng như một số thông tin khác tùy từng trường. Bài luận về kinh nghiệm nghiên cứu và động lực học tiến sĩ được Nghi viết trong vòng 1 tháng và phải chỉnh sửa khoảng 10 lần trước khi nộp.
Tới tháng 2-3 năm sau thì các trường liên hệ với ứng viên để phỏng vấn. Với Đại học Stanford, Nghi phải tham dự tổng cộng 4 lần phỏng vấn với các thầy cô khác nhau trong khoa để trình bày về định hướng nghiên cứu và mục tiêu của mình, cũng như tìm hiểu về các hướng nghiên cứu tiềm năng tại trường.
Các buổi phỏng vấn đó không hề căng thẳng như Nghi hình dung mà chủ yếu là cơ hội cho Nghi chia sẻ về những kinh nghiệm cũng như dự định của mình.
“Trong 5 năm sắp tới, em sẽ cố gắng hoàn thành chương trình Tiến sĩ với kết quả thật tốt và thực hiện các nghiên cứu về vật liệu sinh học ứng dụng cho các lĩnh vực về y sinh.
Em cũng muốn học hỏi thêm về công nghệ in 3D sinh học để có thể tận dụng được nguồn nguyên liệu giá rẻ và dồi dào ở Việt Nam, tạo ra những sản phẩm hữu ích với giá thành rẻ, đem những liệu pháp chữa bệnh tiên tiến trên thế giới đến gần hơn với người dân Việt Nam” – Nghi tâm sự.
Nghi luôn tâm niệm rằng “Chặng đường nào cũng chỉ bắt đầu bằng một bước chân” - The longest journey starts with a single foot step. Ước mơ dù có xa vời như thế nào cũng có thể thực hiện được khi ta có kế hoạch và định hướng cụ thể, cố gắng nỗ lực từng bước một rồi sẽ có lúc mình đạt được mục tiêu.
Do đó, cô gửi lời tới các bạn trẻ: “Nếu có mong muốn dành học bổng đi du học, các bạn cần đặt ra những cột mốc cụ thể với những mục tiêu nhỏ mà mình có thể thực hiện được trong thời gian ngắn để tích lũy thêm kinh nghiệm và thành tích.
Những bước đệm đó là hành trang giúp bạn có thể tự tin ứng tuyển học bổng du học nước ngoài cũng như phát triển sự nghiệp của minh”.