Tiêu điểm: Nhân Humanity

Cùng lúc học hai trường, hai ngành: Cần cân nhắc kĩ trước khi quyết định

(VOH) - Tống Chí Thông - sinh viên Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM) cùng lúc tốt nghiệp loại giỏi hai ngành Logistics và Quản lý Chuỗi cung ứng – Kỹ thuật Hệ thống Công nghiệp.

Tống Chí Thông - sinh viên Khoa Kỹ thuật và Quản lý Công nghiệp, Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM) là gương mặt “gây bão” khi  cùng lúc tốt nghiệp loại giỏi hai ngành Logistics và Quản lý Chuỗi cung ứng – Kỹ thuật Hệ thống Công nghiệp, đáng chú ý là cả hai ngành này đều được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh.

Học song ngành, lựa chọn đầy thử thách

Tống Chí Thông chia sẻ, khi quyết định học thêm một ngành nữa trong cùng một Khoa, Thông đã cân nhắc rất nhiều vì học thêm một ngành nghĩa là phải sắp xếp thời khóa biểu thật sít sao và cũng phải thật khoa học.

“Việc mình chọn học cùng lúc 2 ngành học vì mình cảm nhận được tầm quan trọng của Kỹ thuật quản lý công nghiệp và cả Logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Hai ngành sẽ bổ trợ cho mình để mình có thể làm việc được tốt hơn” – Thông cho biết thêm.

Tống Chí Thông, sinh viên Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TPHCM

Tống Chí Thông - sinh viên Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM) trong lễ tốt nghiệp (Ảnh: BN)

Để đạt được kết quả học tập tốt như vậy, bên cạnh sự nỗ lực của bản thân, theo Thông đó còn là nhờ sự may mắn khi được gia đình hỗ trợ, chia sẻ, thầy cô là những giảng viên có tâm. Chẳng hạn như, ThS. Đào Vũ Trường Sơn hướng dẫn Thông viết hai bài báo khoa học quốc tế, ThS.Hồ Thanh Vũ đưa Thông đi Đức thực tập vào năm thứ 3. Đặc biệt, Thông được TS. Phan Nguyễn Kỳ Phúc hướng dẫn hỗ trợ trong thời gian đăng kí học thêm một ngành và cả lúc làm luận văn nên kết quả tốt nghiệp cũng tốt hơn.

Theo Thông, khi học 2 ngành, điều quan trọng nhất là cần xác định mục tiêu rõ ràng, tập trung lực – sức – thời gian cho mục tiêu đã định. Hơn nữa, Thông còn tham gia vào các chương trình khác nhau của các câu lạc bộ nên nam sinh này phải sắp xếp lựa chọn hạng mục công việc cái nào gấp, cái nào quan trọng hơn thì làm trước, cái nào có thể hoãn lại sau thì chờ sau.

Đặc biệt, theo quy định của Đại học Quốc tế, mỗi sinh viên không được học vượt quá 24 tín chỉ/học kỳ, nhưng Thông đã nỗ lực để học 27 tín chỉ với hy vọng tốt nghiệp đúng trong 4 năm học. Dù vất vả hơn nhưng cuối cùng Thông cũng đã hoàn thành được mục tiêu của mình.

Làm sao để học song ngành hiệu quả?

Không ít sinh viên thi đậu cùng lúc hai trường đại học hoặc hai ngành đại học và phân vân không biết chọn trường nào, ngành nào. Cuối cùng các bạn quyết định học cùng lúc hai nơi.

Lại có trường hợp sinh viên đang học ngành này nhưng thấy ngành kia cũng thú vị và muốn học cả hai hoặc đang học ngành này lại muốn học thêm một ngành khác để bổ trợ kiến thức cho công việc sau này, chẳng hạn ngữ văn và ngoại ngữ, báo chí và luật, công nghệ thông tin và kinh tế... 

Những ước mơ, dự định của các bạn hoàn toàn chính đáng và đem lại nhiều lợi ích cho tương lai. Tuy nhiên, trước khi quyết định học song song hai ngành, hai khoa, hai trường, sinh viên cần phân tích thật kỹ những rủi ro, khó khăn, vất vả mà bạn phải vượt qua trong quá trình đầu tư cho tương lai.

Dưới đây là một số lời khuyên của ThS. Nguyễn Thị Bích Ngọc, đồng tác giả cuốn sách “Tỏa sáng ở trường Đại học” về vấn đề học song ngành và cách học tập song ngành hiệu quả.

Điều kiện học tập

Nếu sinh viên “lén” học hai trường, hai ngành và không thông báo cho hai nơi học thì cũng chẳng sao, nhưng nếu muốn công khai việc học thì hãy chú ý đến quy định của mỗi nơi, bao gồm trường/khoa sinh viên đang theo học và trường/khoa sinh viên muốn học.

Chẳng hạn, có trường yêu cầu sinh viên phải có kết quả học tập sau một – hai học kỳ đạt loại khá giỏi với điểm trung bình từ 8.0 trở lên. Ngoài ra, sinh viên phải nhận được sự đồng ý của phòng đào tạo trường thứ hai hoặc khoa thứ hai.

Để hóa giải điều này, sinh viên chỉ có cách duy nhất là nỗ lực để chứng minh rằng kết quả học tập của mình đáp ứng được đòi hỏi của cả hai ngành sinh viên theo học. Sinh viên nên tìm hiểu kỹ những hồ sơ cần chuẩn bị để sau này khỏi mất thời gian giải quyết những rắc rối phát sinh.

Quy định học tập

Mỗi trường, mỗi khoa đều có những quy định riêng về học tập, vì thế dù học ở đâu sinh viên cũng phải chú ý đến những quy định học chế, học vụ để tránh mắc phải những lỗi sơ đẳng, chẳng hạn trường này sinh viên học theo hệ tín chỉ nhưng ở trường kia học theo hệ niên chế…

Hơn nữa, việc nắm rõ quy định học tập, chương trình đào tạo của hai nơi học sẽ có ích cho sinh viên rất nhiều. Ví dụ, sinh viên có thể sẽ được miễn một số môn đại cương (ở Việt Nam, gần như trường đại học nào cũng có chương trình đại cương với những môn cơ bản như Triết học Mác – Lê-nin, Chính trị học, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Lịch sử Đảng…).

học song ngành

Nắm rõ quy định học tập, chương trình đào tạo của hai nơi/hai ngành đào tạo có thể giúp sinh viên được miễn học một số môn (Ảnh: HL)

Phân bổ thời gian học tập

Học hai ngành cùng một lúc tức là sinh viên phải chấp nhận dành gấp đôi thời gian cho việc học, do đó phải tính toán quỹ thời gian để có thể theo học cả hai bên mà không bị đuối vào giai đoạn sau.

Nhiều sinh viên khi bắt đầu học hai ngành thì hào hứng, phấn khởi, nhưng khi cùng lúc “rượt đuổi” cả hai thời khóa biểu với trung bình từ 7 - 9 môn mỗi nơi, đồng nghĩa với việc phải học 14 - 18 môn một học kỳ, thì không cầm cự nổi. Thế là đành chấp nhận học lại một vài môn, thi lại một vài môn… cộng dồn số môn cần học lại, thi lại, cuối cùng phải gánh trên vai hơn 20 môn cho một học kỳ. Kết quả là sinh viên không thể tốt nghiệp ngành nào cả.

Lời khuyên ở đây, nếu muốn học song song hai ngành để tiết kiệm thời gian thì cũng đừng vội học từ đầu mà hãy đợi đến năm thứ ba hoặc thứ tư của ngành thứ nhất rồi hãy học thêm ngành thứ hai. Như thế, sinh viên sẽ chỉ vất vả trong một, hai năm thay vì phải chạy đua suốt bốn, năm năm liền.

Một giải pháp khác sinh viên có thể cân nhắc là học chương trình văn bằng hai sau khi đã hoàn thành chương trình đại học. Hiện nay, các chương trình học văn bằng hai chỉ kéo dài trong 5 – 6 học kỳ và được tổ chức vào buổi tối nên vẫn có thể vừa đi làm vừa đi học.

Tài chính

Học cùng lúc hai trường, sinh viên phải đóng cùng lúc hai phần học phí, lại không thể đi làm thêm, do đó cần có nguồn tài chính vững chắc và ổn định. Trong trường hợp kết quả học tập không tốt, sinh viên phải đóng tiền để thi lại, học lại, tức là tốn thêm một khoản tiền nữa. Dĩ nhiên khi đó, sinh viên sẽ chẳng còn cơ hội nào để tranh học bổng với các sinh viên khác đang “thảnh thơi” với một ngành học.

Vì thế, nếu không đủ tiềm lực kinh tế để theo đuổi kế hoạch “hai trong một” thì các bạn sinh viên đừng nghĩ đến viễn cảnh cùng lúc tốt nghiệp hai ngành học khác nhau.

Tốt hơn cả là hãy chọn phương án học xong một ngành và trong khi đi làm thì tham gia học chương trình thứ hai. Lúc đó, bạn đã có thu nhập từ công việc và thời gian cũng dư dả hơn cho việc học.

Học lực và thể lực

Nếu đã ổn thỏa hết các điều kiện về tài chính, được chấp nhận cho theo học hai ngành thì sinh viên còn phải cân nhắc đến năng lực và sức khỏe bản thân.

Nếu không đủ khỏe mạnh thì bạn sẽ rất khó theo cùng lúc hai chương trình học, với những khung giờ sát nhau ở hai địa điểm cách xa nhau. Một số trường có nhiều cơ sở nằm cách nhau rất xa, nếu sức khỏe kém thì chắc chắn sinh viên không thể đảm bảo được lịch học dày đặc với cường độ di chuyển liên tục như vậy.

Tiếp theo là năng lực học tập bởi không phải vô cớ mà các trường đại học quy định sinh viên phải có điểm trung bình tích lũy từ một – hai học kỳ từ loại giỏi trở lên thì mới được học tiếp ngành thứ hai.

Tóm lại, việc theo học hai trường đòi hỏi sinh viên phải dốc toàn lực để có thể cùng lúc “đuổi theo hai con thỏ”. Muốn vậy, các bạn sinh viên phải có kế hoạch phân chia thời gian, năng lượng và nguồn tài chính thật chi tiết, cụ thể, đồng thời tuân thủ nghiêm túc kế hoạch đó. Có như vậy bạn mới hy vọng đạt được mục tiêu ban đầu là tốt nghiệp hai ngành chỉ sau bốn – năm năm đại học.

Thủ tướng giao Bộ GD&ĐT đánh giá lại "Chương trình thực nghiệm" - Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo đánh giá lại "Chương trình thực nghiệm".

Chính phủ Australia trao tặng 50 suất học bổng thạc sĩ cho Việt Nam - Chính phủ Australia vừa trao 50 suất học bổng cho các lãnh đạo tiềm năng của Việt Nam theo học chương trình thạc sỹ tại các trường đại học danh tiếng của Australia năm 2020.

Bình luận