Phát biểu tại lễ phát động, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, từ năm 2016, với mong muốn đưa Việt Nam trở thành Quốc gia khởi nghiệp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam ngày càng toàn diện hơn. Trong các thành tố của hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia, các trường đại học nói riêng và ngành Giáo dục nói chung có một vai trò hết sức quan trọng đổi với hệ sinh thái khởi nghiệp. “Tại Quyết định số 1665, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ động tham mưu triển khai nhiều giải pháp thiết thực hiệu quả nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho học sinh ngay từ bậc học phổ thông. Đồng thời, từng bước hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp trong các trường đại học để có thể tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ Học sinh sinh viên tích cực tham gia các hoạt động khởi nghiệp và có các dự án khởi nghiệp thành công sau khi tốt nghiệp. Để hỗ trợ Học sinh sinh viên khởi nghiệp đối với các trường phổ thông cần 3 nhiệm vụ chính. Trong đó gồm xây dựng các chương trình truyền cảm hứng khởi nghiệp cho học sinh tổ chức các hoạt động đào tạo giúp học sinh có các kiến thức cơ bản về khởi nghiệp. Và đồng thời tạo môi trường trải nghiệm giúp học sinh có thể ứng dụng các kiến thức đã được học”, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết thêm.
Bộ GD-ĐT ký kết thoả thuận hợp tác triển khai Đề án 1665 “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” với các đối tác
Ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Công tác Học sinh sinh viên, Bộ GD-ĐT cũng công bố thể lệ cuộc thi năm nay. Theo đó, cuộc thi SV_STARTUP-2020 dành cho đối tượng Học sinh sinh viên với 8 lĩnh vực dự thi. Cuộc thi trải qua 5 vòng thi, gồm: Vòng thi cơ sở, vòng bán kết, vòng đào tạo, vòng bình chọn và vòng chung kết.
Vòng thi chung kết dự kiến diễn ra trong hai ngày 18 và 19/12 tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM. Các đội tham dự Vòng chung kết sẽ tham gia trưng bày các sản phẩm, ý tưởng, dự án khởi nghiệp của đội tại các gian hàng theo các chủ đề được ban tổ chức bố trí tại Ngày Hội khởi nghiệp quốc gia năm 2020. Cơ cấu giải thưởng sẽ gồm 2 nhóm. Đối với các dự án khởi nghiệp của sinh viên các cơ sở đào tạo, cuộc thi trao 1 giải Nhất với giải thưởng là 60 triệu đồng tiền mặt; gói hỗ trợ đào tạo, hỗ trợ triển khai dự án với trị giá 115 triệu đồng và cơ hội tham gia đàm phán để nhận đầu tư số tiền 40.000 đô la Mỹ. 2 giải Nhì (40 triệu đồng tiền mặt/giải và cơ hội đầu tư từ các Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp), 3 giải Ba (20 triệu đồng/giải) và 4 giải Khuyến khích (10 triệu đồng/giải). Đối với các dự án khởi nghiệp của học sinh THCS, THPT, cuộc thi trao 1 giải Nhất với giải thưởng 30 triệu đồng; 2 giải Nhì (20 triệu đồng/giải); 3 giải Ba (10 triệu đồng/giải) và 3 giải Khuyến khích (5 triệu đồng/giải).
Dịp này, Bộ GD-ĐT cũng ký kết thoả thuận hợp tác triển khai Đề án 1665 “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” với Quỹ Đầu tư mạo hiểm (VSV), Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp Khoa học và công nghệ Việt Nam (SVF) và VTC Academy.
Năm 2018, 2019 Bộ đã khởi động Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp" dành cho Học sinh sinh viên từ bậc Trung học phổ thông trên toàn quốc. Trong 2 năm tổ chức các Cuộc thi đã nhận được gần 350 dự án đến từ các cơ sở đào tạo và 150 dự án đến từ các trường Trung học phổ thông trong toàn quốc. 70% các dự án đã có sản phẩm và 30% dự án là ý tưởng hoặc sản phẩm đang ở mức sản xuất thử. Hiện tại nhiều dự án của Học sinh sinh viên đã được thành lập doanh nghiệp hoặc được các doanh nghiệp lớn mua lại để đưa vào sản xuất đại trà. Kết quả đó mặc dù không lớn nhưng cũng đã tạo ra được dấu ấn ban đầu đối với các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp dành cho các cơ sở giáo dục, đào tạo và Học sinh sinh viên.
Tin, ảnh: Thùy Linh
Đạt 292 phòng học/10.000 dân nhưng TPHCM vẫn khó khăn khi triển khai Chương trình phổ thông mới: Đến nay, thành phố đã đạt được 292 phòng học/10.000 dân. Con số này đang tiệm cận gần mục tiêu 300 phòng học/10.000 dân.