Cựu sinh viên RMIT Nguyễn Hồng Nhu: Mong muốn thu hẹp khoảng cách giáo dục STEM giữa Việt Nam và thế giới

(VOH) - Cựu sinh viên RMIT Nguyễn Hồng Nhu chia sẻ về tâm huyết của mình với sứ mệnh thúc đẩy giáo dục Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM) tại Việt Nam.

Sau khi biết tin hồ sơ ứng tuyển học bổng Chevening của mình được chấp thuận, cựu sinh viên RMIT Nguyễn Hồng Nhu quyết tâm dùng cơ hội này để tìm hiểu thêm về việc làm thế nào để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nhằm cải cách việc dạy và học, nâng cao sự tiếp cận cũng như trải nghiệm giáo dục cho mọi người.

Cựu sinh viên RMIT, Nguyễn Hồng Nhu
Cựu sinh viên RMIT Nguyễn Hồng Nhu 

Kể từ ngày tốt nghiệp Đại học RMIT Việt Nam với tấm bằng Cử nhân Thương mại vào năm 2009, Nhu đã làm việc trong nhiều lĩnh vực đa dạng như marketing, y tế công cộng, trước khi chuyển sang mảng giáo dục và đào tạo.

Từng giữ vị trí Chủ nhiệm chương trình giáo dục và Thành viên đồng sáng lập Young Engineers, cô tâm huyết với sứ mệnh thúc đẩy giáo dục Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM) tại Việt Nam.

Nhu quyết định đảm nhận vị trí này vào bốn năm trước, không chỉ vì được truyền cảm hứng bởi tầm nhìn của tổ chức, mà còn bởi sự đồng cảm sâu sắc với mục tiêu và nhiệt huyết của ban lãnh đạo – cũng là những bạn học của cô ở RMIT.

“Mục tiêu của chúng tôi là thu hẹp khoảng cách trong giáo dục STEM giữa Việt Nam và thế giới, góp phần ươm mầm thế hệ trẻ với kiến thức kỹ thuật cũng như tư duy sắc bén để sẵn sàng đón nhận thách thức từ cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0”.

Từ những dự án về STEM, Nhu dần hình thành sự tò mò và yêu thích với mảng công nghệ giáo dục. Hiểu được tầm quan trọng của việc trau dồi và nâng cao kiến thức chuyên môn, Nhu đã nỗ lực để đạt học bổng du học ngành giáo dục nhằm hiện thực mục tiêu của mình.

“Sau hai lần nộp đơn học bổng Chevening, nỗ lực của tôi đã được đền đáp. Học bổng đã trao cho tôi cơ hội quý báu để theo học chương trình Thạc sĩ Khoa học Giáo dục tại Đại học Bristol, chuyên ngành học tập và công nghệ”, Nhu chia sẻ.

Thời gian học cao học đã giúp Nhu phát triển kiến thức về việc ứng dụng công nghệ để hỗ trợ học tập và giảng dạy. Thiết kế chương trình học hiện đại cho cô cơ hội trải nghiệm nhiều loại hình công nghệ giáo dục như công nghệ dạy và học trực tuyến, robot, công nghệ thực tế ảo, đồng thời tham gia vào những cuộc thảo luận để xem xét về việc tích hợp công nghệ vào học tập một cách ý nghĩa và hiệu quả.

“Một trong những trải nghiệm đáng nhớ nhất của tôi trong quá trình học là dự án thiết kế ý tưởng cho một ứng dụng điện thoại dùng công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) để hỗ trợ trẻ em và phụ huynh tìm hiểu khoa học và kết nối với thiên nhiên”, Nhu chia sẻ.

“Ý tưởng thiết kế khởi nguồn từ sở thích và kinh nghiệm chuyên môn của tôi trong giáo dục STEM. Trong tương lai, tôi mong muốn có thể tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng các loại hình công nghệ lấy người học làm trọng tâm, đồng thời đưa chúng vào giáo dục nhằm nâng cao trải nghiệm dạy và học, tăng cường cơ hội tiếp cận giáo dục cho tất cả mọi người”.

Xem thêm: 

Bình luận