Đại học Quốc gia TPHCM dừng tuyển sinh chương trình chất lượng cao

VOH - Đại học Quốc gia TPHCM đề nghị các trường đại học thành viên, phân hiệu và khoa trực thuộc dừng tuyển sinh chương trình chất lượng cao.

Đại học Quốc gia TPHCM vừa có văn bản đề nghị các trường đại học thành viên, phân hiệu và khoa trực thuộc dừng tuyển sinh chương trình chất lượng cao trình độ đại học.

Sau khi xem xét các nội dung liên quan (Thông tư 14/2019, Thông tư 11/2023 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nghị định 81/2021 của Thủ tướng Chính phủ), Đại học Quốc gia TPHCM đề nghị các đơn vị trong hệ thống đại học này dừng tuyển sinh chương trình chất lượng cao trình độ đại học từ ngày 1/12/2023.

Các khóa đã tuyển sinh chương trình chất lượng cao theo các quy định trước đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như của giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM về đào tạo chất lượng cao trình độ đại học trước thời điểm Thông tư 11 có hiệu lực thi hành được tiếp tục thực hiện cho đến hết khóa học.

Mức học phí thực hiện theo đề án mở ngành, định mức kinh tế - kỹ thuật được Đại học Quốc gia TPHCM phê duyệt.

Đại học Quốc gia TPHCM
Đại học Quốc gia TPHCM đề nghị các trường đại học thành viên, phân hiệu và khoa trực thuộc dừng tuyển sinh chương trình chất lượng cao. - Ảnh: HL

Đại học Quốc gia TPHCM đồng thời đề nghị các đơn vị căn cứ vào kế hoạch chiến lược phát triển đơn vị đã được phê duyệt chủ động rà soát, nghiên cứu, xây dựng đề án mới nếu thấy cần thiết, đề án mới phải phù hợp với quy định tại Nghị định 81.

Theo yêu cầu của Đại học Quốc gia TPHCM, các đơn vị xây dựng đề án mới để thu học phí phù hợp với Nghị định 81 phải nêu rõ thông tin chung về đề án: tên chương trình, ngành đào tạo, thời gian đào tạo, tổng số tín chỉ, học phí và lộ trình học phí, điều kiện và phương thức tuyển sinh.

Trong đó phải nêu rõ cơ sở pháp lý, sự cần thiết và nhu cầu xã hội. Thống kê số lượng sinh viên trúng tuyển, nhập học, tốt nghiệp trong 5 năm gần nhất (ưu tiên theo thứ tự chọn 1 chương trình: chương trình chất lượng cao bằng tiếng Anh, chương trình chất lượng cao, chương trình đại trà).

Các tiêu chí đảm bảo chất lượng: điều kiện tuyển sinh đầu vào (phải đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ theo yêu cầu của chương trình, môn học được dạy bằng tiếng nước ngoài và theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương).

Đội ngũ giảng viên (giảng viên phải có năng lực ngoại ngữ tối thiểu bậc 5 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương. Những người được đào tạo đại học, thạc sĩ, tiến sĩ toàn thời gian ở nước ngoài được miễn yêu cầu về năng lực ngoại ngữ quy định như trên).

Phương pháp giảng dạy (áp dụng phương pháp giảng dạy mới theo hướng phát huy năng lực cá nhân của sinh viên, tăng cường rèn luyện kỹ năng mềm, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng sử dụng các trang thiết bị hiện đại và các phần mềm chuyên dụng để giải quyết các nội dung chuyên môn).

Nền tảng chất lượng đầu ra; quản lý chất lượng và đảm bảo chất lượng, quy mô lớp học; học bổng khuyến học; cơ hội chuyển tiếp du học; hỗ trợ sinh viên nghiên cứu khoa học.

Cơ sở vật chất, thiết bị (bảo đảm đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, thư viện, giáo trình, tài liệu, đáp ứng yêu cầu mà chương trình, môn học được tổ chức dạy và học bằng tiếng Anh).

Tổ chức vận hành đề án gồm: chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo phải cao hơn của chương trình đại trà tương ứng về năng lực chuyên môn; năng lực ngoại ngữ; năng lực ứng dụng công nghệ thông tin; năng lực dẫn dắt, chủ trì và làm việc nhóm; khả năng thích nghi với môi trường công tác.

Chương trình đào tạo được xây dựng và phát triển trên nền của chương trình đại trà (đạt chuẩn kiểm định quốc tế, trong nước hoặc tương đương) của cơ sở đào tạo; có tham khảo chương trình nước ngoài. Có ít nhất 20% số tín chỉ các học phần thuộc khối kiến thức cơ sở ngành, ngành và chuyên ngành được dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh.

Bình luận