Đại học Quốc gia TPHCM: mong muốn chia sẻ kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực cho các trường

(VOH) - Khi không còn kỳ thi phục vụ mục đích kép này, các trường đại học tự chủ tuyển sinh ra sao?

Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia bắt đầu thực hiện từ năm 2015, với hai mục đích vừa xét tốt nghiệp trung học phổ thông, là căn cứ đánh giá chất lượng dạy học ở bậc phổ thông, vừa sử dụng kết quả để các trường đại học cao đẳng tuyển sinh. Vậy, khi không còn kỳ thi phục vụ mục đích kép này, các trường đại học tự chủ tuyển sinh ra sao? Mỗi trường đại học có nhất thiết phải tự tổ chức kỳ thi riêng để xét chọn thí sinh phù hợp vào trường mình hay không? 

 Phó Giáo sư Tiến sĩ Vũ Hải Quân – Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ vấn đề này.

 Phó Giáo sư Tiến sĩ Vũ Hải Quân – Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh

*VOH: Kỳ thi trung học phổ thông năm 2020 chỉ còn phục vụ mục đích xét tốt nghiệp. Các trường đại học sẽ thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh được quy định trong Luật. Những thay đổi này đem lại cơ hội và thách thức gì cho các trường?

Phó Giáo sư Tiến sĩ Vũ Hải Quân: Trước tiên, tôi nghĩ rằng đây là sự thay đổi không nằm trong mong muốn do dịch bệnh xuất hiện. Tôi nghĩ rằng, nếu chúng ta vẫn tiếp tục duy trì kỳ thi trung học phổ thông là điều mà ta tuân thủ theo quy định trong Luật giáo dục. Thứ hai, kỳ thi giao về cho địa phương tổ chức, tôi nghĩ đây là bước đi phù hợp vì việc thi và xét tốt nghiệp trung học phổ thông nên giao về cho các địa phương. Chúng ta cần tổ chức một kỳ thi thứ nhất là tuân thủ về luật, thứ hai các em học sinh cần hoàn thành chuẩn kiến thức, được đánh giá một cách cụ thể trước khi các em tốt nghiệp. Việc này giao về cho địa phương là phù hợp. Đối với các trường đại học, nếu như kỳ thi chỉ để dành cho xét tốt nghiệp trung học phổ thông thì rõ ràng việc phân loại thí sinh là rất khó. Bởi vì, đề thi sẽ thay đổi, bởi mục tiêu chính là xét tốt nghiệp. Vì vậy, các trường đại học buộc phải thay đổi trong tuyển sinh của mình. Vấn đề dựa vào kết quả kỳ thi trung học phổ thông sẽ không còn là ưu tiên chính, phương thức tuyển sinh chính giống như trước giờ các trường đã làm. Khi đó, các trường phải nghĩ đến phương án của riêng mình. Tôi nghĩ, nếu các trường được chủ động trong công tác tuyển sinh thể hiện theo đúng trong Luật, thì đây cũng là cơ hội cho các trường đổi mới phương thức tuyển sinh để phục vụ mục tiêu đào tạo của chính trường mình, phù hợp với mục tiêu phát triển chung của giáo dục Việt Nam cũng như sự phát triển chung của kinh tế xã hội Việt Nam.

*VOH: Còn về phía thí sinh, các em đang học lớp 12 hiện nay rất áp lực khi họ phải đối mặt với việc vừa thi để xét tốt nghiệp, vừa phải tính đến việc xét tuyển vào các trường. Vậy theo ông, các trường đại học phải giải quyết bài toán này một cách hài hòa ra sao?

Phó Giáo sư Tiến sĩ Vũ Hải Quân: Ví dụ trường hợp của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Đã từ lâu, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tuyển sinh theo 5 phương thức. Trong đó, xét kết quả thi Trung học phổ thông quốc gia cũng chỉ là một trong năm phương thức. Tỷ lệ phần trăm khi xét tuyển dựa vào các phương thức này có điều chỉnh khác nhau tùy theo năm. Việc thay đổi kỳ thi từ xét tốt nghiệp kết hợp tuyển sinh sang thi để xét tốt nghiệp trung học phổ thông, chúng tôi vẫn chủ trương là giữ một tỷ lệ nhất định số lượng thí sinh nộp điểm thi từ kỳ thi Trung học phổ thông. Như vậy, nếu các em thi Trung học phổ thông mà có kết quả tốt, các em vẫn được quyền nộp vào các đơn vị thành viên của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho đến thời điểm này. Thứ hai, chúng tôi sẽ điều chỉnh tỷ lệ các phương thức khác: xét tuyển thẳng đối với học sinh các trường chuyên, học sinh có thành tích học tập đặc biệt xuất sắc đạt giải các kỳ thi quốc gia, quốc tế. Đặc biệt, là kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Kỳ thi được thông báo rộng rãi, tổ chức 2 năm vừa qua, rất nhiều thí sinh đã biết đến kỳ thi này, bây giờ các em vẫn hoàn toàn có thể đăng ký được, và xem đây là cơ hội để xét tuyển vào các trường thành viên của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều trường khác có sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển.

*VOH: Như ông vừa đề cập, trong những năm vừa qua Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức kỳ thi Đánh giá năng lực rất thành công, đến nay có hơn 50 trường sử dụng kết quả từ kỳ thi này để xét tuyển. Vậy, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh có đặt ra cho mình một vai trò, nhiệm vụ lớn hơn là tiếp tục phát triển kỳ thi này nhằm mục đích phục vụ công tác xét tuyển cho các trường khu vực phía Nam, quan điểm của ông về vấn đề này?

Phó Giáo sư Tiến sĩ Vũ Hải Quân: Trong Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung năm 2018, liên quan đến Đại học Quốc gia, có bổ sung thêm một ý đại khái như thế này: Đại học Quốc gia, Đại học vùng là đại học thực hiện các nhiệm vụ chiến lược phát triển quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng. Như vậy, việc hình thành nên 2 Đại học Quốc gia được đặt một trọng trách rất lớn, kỳ vọng rất lớn cho 2 đơn vị này. Cho nên, việc chúng tôi đã tổ chức kỳ thi Đánh giá năng lực để phục vụ cho công tác tuyển sinh các trường thành viên và mở rộng ra cho các trường khu vực phía Nam, tôi nghĩ đây cũng là bước đi phản ánh đúng sứ mệnh của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đó là thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia. Chúng tôi thực sự rất mong muốn được chia sẻ kết quả của kỳ thi Đánh giá năng lực cho các trường trong khu vực phía Nam, năm nay chúng tôi có thêm Đại học Đà Nẵng cũng sử dụng kết quả Đánh giá năng lực. Nếu chúng ta cùng phối hợp với nhau, tôi tin kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng như kỳ thi Đánh giá năng lực của các trường khác, nếu như được tổ chức bài bản sẽ giúp cho việc tuyển sinh có chất lượng hơn, hiệu quả hơn, giảm bớt chi phí hơn.

*VOH: Cám ơn ông!

Khi kỳ thi không còn “hai trong một”: Giảm tải hay thêm khó cho học sinh? - Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020 chính thức được thay thế cho kỳ thi trung học phổ thông quốc gia trước đây nhằm mục tiêu chính là xét tốt nghiệp trung học phổ thông.