Phó chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu các trường thực hiện đầy đủ các quy định về phòng chống dịch nhưng không gây căng thẳng cho học sinh khi trở lại trường.
Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu, Quận Bình Thạnh sáng nay 14/2 có khoảng 900 học sinh học sinh khối 1 và 2 đến trường, tỷ lệ đạt gần 100%. Ngày mai sẽ có thêm khối lớp 5, ngày sau nữa sẽ là khối 3 và khối 4.
Theo ông Đặng Duy Phước, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu, nhà trường hiện có 22/2.607 học sinh (tỷ lệ dưới 1%) đăng ký học trực tuyến. Một nửa trong đó do các em về quê đợt Tết, chưa mua được vé để kịp thời trở lại trường.
Để phụ huynh an tâm đi làm, nhà trường thực hiện tổ chức bán trú ngay từ hôm nay. "Trường phối hợp với trạm y tế phường 14, trong những ngày tập trung học sinh này hoặc bác sĩ hoặc nhân viên trạm sẽ qua trực chung với nhân viên y tế của trường. Học sinh không tập trung ở sân mà được hướng dẫn lên lớp, tập trung theo từng khối. Những ngày học tiếp theo các cháu sẽ vào thẳng lớp. Trường bố trí lệch giờ chơi, lệch giờ ăn, giờ về theo từng khối", ông Đặng Duy Phước nói.
Trường Mầm non Bé Ngoan Quận 1, sáng nay đón trẻ từ 3 đến 6 tuổi chính thức trở lại trường và thực hiện công tác bán trú. Trước đó, nhà trường tiến hành cho phụ huynh đăng ký để chuẩn bị suất ăn, tỷ lệ 66% phụ huynh đăng ký cho con trở lại trường. Tỷ lệ này tăng hơn so với trước đây.
Cô Lê Thị Ngọc Hân, phụ trách lớp Mầm trường mầm non Bé Ngoan cho biết, trường đã chuẩn bị đầy đủ các phương án cho cả lớp, cho phụ huynh học sinh trong các tình huống. Trong suốt thời gian nghỉ dịch, giáo viên vẫn giữ liên lạc thường xuyên với phụ huynh.
"Phụ huynh phối hợp rất tốt với cô. Qua kênh tương tác giữa lớp và phụ huynh, giáo viên thường xuyên gửi các clip hướng dẫn phụ huynh chuẩn bị cho bản thân, cho con, để ngày đầu tiên và thời gian đầu trở lại trường cả con, cô và phụ huynh cùng thực hiện tốt theo các phương án mà trường đưa ra.", giáo viên Lê Thị Ngọc Hân cho biết.
Thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, có khoảng 95% phụ huynh tiểu học đồng thuận cho con trở lại trường từ 14/2. 5% học sinh còn lại phần lớn do các em có yếu tố dịch tễ, về quê chưa lên hoặc cha mẹ còn lo lắng về việc học trực tiếp.
Ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết theo thông lệ, tỷ lệ này sẽ tăng lên khi học sinh trở lại trường an toàn. Ông Dương Trí Dũng đánh giá: "Các quận huyện đã chuẩn bị rất tốt, đúng tinh thần phương án phòng chống dịch đã được Ban chỉ đạo phòng chống dịch Thành phố Thủ Đức và các quận huyện phê duyệt. Công tác chuẩn bị đã tốt thì công tác tổ chức đi học phải đúng theo phương án đã xây dựng để đảm bảo kịp thời, linh động chuyển đổi trạng thái khi điều chỉnh cấp độ dịch hoặc có những xử lý tình huống theo đúng tinh thần phương án đã xây dựng khi có các ca nhiễm xảy ra."
Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế, để chuẩn bị đón học sinh trở lại trường, ngành y tế và ngành giáo dục đã phối hợp triển khai nhiều hoạt động, trong đó có việc khảo sát công tác chuẩn bị của một số trường.
Trong tuần này, Sở Y tế và Sở Giáo dục - Đào tạo cũng sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình của các trường, để có thể xử lý ngay những trường hợp cần thiết. Dự kiến đầu tuần sau, 2 Sở sẽ đánh giá lại để cập nhật, khắc phục những vấn đề còn vướng mắc.
"Thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố, Sở Y tế đã dự thảo một kịch bản và quy trình xử lý F0 trong trường học, cập nhật so với những văn bản đã ban hành trước đây. Gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành hướng dẫn về kịch bản và quy trình, Sở Y tế và Sở Giáo dục sẽ cụ thể hoá vấn đề này và triển khai cho các trường.
Phương án xử lý F0 về cơ bản sẽ thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục- Đào tạo. Tuy nhiên, đối với các trường hợp trẻ mầm non, Sở Y tế và Sở Giáo dục TPHCM đề nghị những trường hợp này phải mời phụ huynh vào với sự theo dõi sức khoẻ của các cháu, kể cả lấy mẫu khi cần thiêt.", ông Nguyễn Hữu Hưng cho biết.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức khẳng định, Thành phố luôn mong muốn việc dạy học cho các cấp lớp ổn định, liên tục, linh hoạt. Nếu có vấn đề xảy ra thì xử lý cục bộ ở đó, để việc dạy học vẫn được tiếp diễn theo đúng quy định, hạn chế để ảnh hưởng đến các bé, đồng thời bảo đảm môi trường an toàn cho học sinh.
Ông Dương Anh Đức cho rằng lãnh đạo nhà trường phải luôn cảnh giác, nắm vững thông tin và đưa ra những quyết định kịp thời. Trong trường hợp cần thiết có thể tham vấn với các chuyên gia để có quyết định phù hợp.
"Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ xây dựng môi trường ứng xử theo hướng linh hoạt, thích ứng, an toàn, Thành phố mong muốn các trường thực hiện đúng tinh thần này. Đảm bảo cảnh giác, thực hiện đầy đủ các quy định về phòng chống dịch nhưng không tạo ra một môi trường quá căng thẳng. Đồng thời, các trường phải xây dựng mối liên hệ chặt chẽ giữa nhà trường với phụ huynh, với ngành y tế, các ban ngành địa phương để khi có bất kỳ sự cố nào xảy ra sẽ được xử lý đúng quy trình và đảm bảo an toàn nhưng không gây ra xáo trộn.", ông Dương Anh Đức nói.
Phó Chủ tịch Dương Anh Đức cũng lưu ý với những trường hợp học sinh chưa có điều kiện để trở lại học tập trực tiếp, nhà trường cần tiếp tục duy trì việc dạy học qua internet... Trong mọi trường hợp, cần tạo điều kiện tối đa cho học sinh của Thành phố được học tập trong điều kiện tốt nhất có thể cũng như có điều kiện giao tiếp với xã hội, phát triển đức-trí-tâm tốt hơn.