Những năm gần đây, phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam có xu hướng phát triển. Tinh thần khởi nghiệp không giới hạn ở những người học làm việc trong lĩnh vực kinh doanh... mà còn mở rộng đến nhiều đối tượng, kể cả những học sinh, sinh viên.
Là đơn vị đi đầu của hệ thống các trường đại học Việt Nam trong việc hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM) đã tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho giảng viên, sinh viên của trường, trong đó, môn học Khởi nghiệp đã được đưa vào dạy chính khóa.
Từ 01 môn học Khởi nghiệp thí điểm cho sinh viên chính quy 08 chuyên ngành trong chương trình Đào tạo kỹ sư chất lượng cao tại Việt Nam (PFIEV), đến năm 2023, trường Đại học Bách khoa đào tạo 11 môn học có liên quan đến khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho 26 chuyên ngành đào tạo sinh viên/học viên cao học của nhiều khoa khác nhau. Trong đó môn học “Khởi nghiệp” là một học phần được đào tạo phổ biến cho sinh viên chính quy các ngành kỹ thuật của trường.
Năm 2017, trường Đại học Công thương (HUIT) cũng đưa chương trình đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đào tạo cho sinh viên và đến năm 2020 chương trình đã được hoàn thiện xây dựng thành một môn học tự chọn trong chương trình đào tạo chính khoá với thời lượng 30 tiết.
Hiện có khoảng 6.000 sinh viên HUIT tham gia lớp học này. Trong học kỳ 2 năm học 2023 – 2024, trường tổ chức được 37 lớp với 1.850 sinh viên tham gia; kết thúc môn học các sinh viên đã xây dựng được hơn 300 ý tưởng, dự án khởi nghiệp và thuyết trình dự án trước hội đồng giảng viên và chuyên gia.
Nhiều ý tưởng được các giảng viên, chuyên gia hỗ trợ, cố vấn hoàn thiện mô hình kinh doanh, các ý tưởng tốt tiếp tục hoàn thiện để tham gia các cuộc thi khởi nghiệp.
Sự thành công của hoạt động còn ở yếu tố quan trọng là công tác kết nối doanh nghiệp tạo hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đủ các điều kiện, nguồn lực hỗ trợ các dự án khởi nghiệp.
Qua đó, sinh viên hiểu được vai trò của khởi nghiệp, hình dung được các giai đoạn trong quá trình khởi nghiệp cũng như các nguồn lực cần thiết cho sự phát triển của một doanh nghiệp, có khả năng đánh giá ý tưởng khởi nghiệp, tự xây dựng mô hình kinh doanh và kế hoạch kinh doanh khởi nghiệp từ những ý tưởng của mình.
Đa dạng các chương trình đào tạo khởi nghiệp trong trường đại học
Bên cạnh việc đưa môn học Khởi nghiệp vào chương trình đào tạo cho sinh viên, học viên chính khóa, trường Đại học Bách khoa đã và đang tổ chức các khóa tập huấn/đào tạo ngắn hạn về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho giảng viên, sinh viên.
Các khóa đào tạo ngắn hạn thông thường kéo dài trong vòng 10 buổi học trang bị cho sinh viên các kiến thức cơ bản về tư duy, quy trình khởi nghiệp, cách phân tích thị trường, phân tích cạnh tranh, phân tích tính khả thi về tài chính phát triển mô hình kinh doanh, xây dựng kế hoạch marketing, kỹ năng gọi vốn…
Để hỗ trợ phát triển thêm các hoạt động trong hệ sinh thái khởi nghiệp, các đơn vị trong trường còn tổ chức các buổi hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, cung cấp kiến thức, kỹ năng liên quan đến khởi nghiệp.
Qua đó các chuyên gia đào tạo khởi nghiệp cùng với doanh nhân truyền cảm hứng cho sinh viên về tinh thần khởi nghiệp, văn hóa khởi nghiệp… cũng như tư vấn, giải đáp nhiều băn khoăn, thắc mắc của sinh viên về con đường khởi nghiệp.
Tại trường Đại học Công thương TPHCM, theo ThS. Hoàng Thị Thoa - Giám đốc trung tâm Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp: “Bên cạnh việc đưa hoạt động đổi mới sáng tạo vào trong hoạt động đào tạo chính khóa, Trường còn tổ chức các hoạt động ngoại khóa giúp sinh viên phát huy tính sáng tạo, vận dụng kiến thức chuyên môn hình thành các ý tưởng, giải pháp sáng tạo giải quyết các vấn đề thực tế xã hội”.
Theo ThS. Hoàng Thị Thoa, chương trình đào tạo này theo hướng học và trải nghiệm thực hành ngay trong lớp học kết hợp các hoạt động ngoại khoá cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp, nghiên cứu khoa học, startup tour, CLB mentoring HUTI, CLB đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, các chương trình tập huấn nâng cao…
Năm học 2022-2023, HUIT có 03 dự án khởi nghiệp sinh viên được triển khai thực tế trong đó 01 dự án được nhận đầu tư, 01 dự án thành lập doanh nghiệp và 01 dự án được chuyển giao công nghệ.
Năm 2023 trường nằm trong TOP 10 trường Đại học nhận bằng khen của Bộ giáo dục và Đào tạo vì có đóng góp tích cực trong việc triển khai Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”.
Một hoạt động khác không thể không kể đến khi nhắc đến khởi nghiệp trong trường đại học, đó là các cuộc thi Khởi nghiệp, Đổi mới sáng tạo.
Điển hình tại trường Đại học Bách khoa có cuộc thi Bách Khoa Innovation đã được tổ chức từ năm 2018 đến nay và dần mở rộng thêm cho các học sinh, sinh viên, học viên cao học ở các trường trong thành phố.
Thông qua các cuộc thi khởi nghiệp này, từ những ý tưởng, kiến thức về khoa học kỹ thuật, các sinh viên có thể tự lập nhóm dự án dưới sự hướng dẫn của các thầy cô để nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ trong các dự án, biến ý tưởng thành những dự án ứng dụng thực tiễn, giải quyết các vấn đề của xã hội…
Trường Đại học Công Thương TPHCM mới đây cũng phát động cuộc thi “Sinh viên Công Thương với Ý tưởng khởi nghiệp” lần 05 năm 2024 với chủ đề “Đổi mới sáng tạo hướng tới một tương lai xanh.
Cùng với đó, Trường lập một quỹ mỗi năm trích ra từ 2 - 5 tỷ đồng cộng thêm các nguồn tài chính của các nhà tài trợ giúp sinh viên nghiên cứu các sản phẩm.
Từ việc được đào tạo bài bản, được tạo điều kiện trải nghiệm khởi nghiệp qua các cuộc thi, bản thân sinh viên đã tạo cho mình tinh thần tự chủ và tích cực, hoàn thiện kỹ năng… để lập kế hoạch mục tiêu, triển khai và phát triển các ý tưởng của mình khi bắt tay vào khởi nghiệp.