Chờ...

Dạy kỹ năng mềm cho sinh viên: dạy độc lập hay dạy tích hợp?

(VOH) - Các trường đại học đưa vào chương trình đào tạo một số kỹ năng mềm. Tuy nhiên, vấn đề đào tạo kỹ năng mềm cho người học chưa tạo được sự chuyển biến rõ nét nơi người học.

Việc phát triển kỹ năng mềm thông qua những môn học độc lập chỉ dạy trong một khoảng thời gian, trong một số học kỳ nhất định; hay tích hợp các yếu tố kỹ năng mềm khi thiết kế các chương trình giảng dạy? Đâu là giải pháp hiệu quả trong việc đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên? 

 Để đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra cho sinh viên đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động trong tương lai, chương trình đào tạo Kỹ năng mềm được đưa vào giảng dạy tại một số trường đại học, cao đẳng, bắt đầu từ khoảng năm 2010 trở đi.

Các kỹ năng chính như giao tiếp, giải quyết vấn đề, làm việc nhóm, quản lý thời gian, ra quyết định, thuyết trình hiệu quả, tư duy sáng tạo…..bắt đầu được người học quan tâm, rèn luyện bên cạnh các kiến thức đào tạo chuyên ngành. Thế nhưng, hiện hoạt động này tại các trường vẫn chưa tạo được sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức người học.

 Thạc sĩ Nguyễn Thị Ánh Ngọc, Giảng viên Trường Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Vĩnh Long cho hay, trong thời đại công nghệ 4.0 đòi hỏi con người phải thay đổi để thích nghi với môi trường mới. Muốn đạt được thành công trong cuộc sống, trong sự nghiệp, chúng ta phải hội tụ đủ kỹ năng cứng là kiến thức chuyên môn và kỹ năng mềm.

Tuy nhiên, hiện tại sinh viên vẫn còn thờ ơ với việc tự trang bị kỹ năng mềm cho mình. “Trong quá trình học tập, người học được giáo viên lồng ghép một số kỹ năng mềm vào. Giáo viên chỉ lồng ghép ở mức độ giảng dạy, truyền đạt thôi. Còn sinh viên muốn thực hiện tốt các kỹ năng này thì phải tự mình vận động, thực hành. Còn kiến thức giảng viên truyền đạt chỉ là một phần nào đó thôi” - Thạc sĩ Nguyễn Thị Ánh Ngọc cho biết.

Một lớp học kỹ năng mềm miễn phí do Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM tổ chức.

Chia sẻ kinh nghiệm thực tế tại trường, Thạc sĩ Hoàng Thị Thoa, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cho hay, trước năm 2016, trường khảo sát thì có đến 85% sinh viên thờ ơ, hiểu sai về việc học và rèn luyện kỹ năng mềm. Người học cho rằng đó chỉ là môn học phụ không cần thiết. Thậm chí, một bộ phận sinh viên xem kỹ năng mềm là thứ gì đó cao siêu và ngại tiếp cận. Từ thực trạng đó, sau hai năm triển khai, 100% sinh viên của Trường đều được học tập và tham gia các hoạt động trải nghiệm kỹ năng mềm. Trường xác định kỹ năng mềm là một môn học trong chương trình, được Trường quy định cụ thể về số tiết, nội dung chương trình và được bố trí trong thời khóa biểu chính khóa.  Thạc sĩ Thoa cho biết thêm, dựa vào đặc điểm nghề nghiệp, vị trí việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp mà các kỹ năng mềm được lựa chọn giảng dạy chỉ giới hạn ở hai kỹ năng. Đó là kỹ năng giao tiếp và kỹ năng học tập hiệu quả, Nhưng theo Thạc sĩ Hoàng Thị Thoa, trong quá trình đào tạo có rất nhiều khó khăn. Thời gian học của sinh viên cũng phải linh động để tạo điều kiện cho các em, vì các em học nhiều môn trong chương trình đào tạo. Ngoài lý thuyết còn có thực hành, cho nên rất khó để sắp xếp thời gian cho các em học. Thời gian thuận tiện nhất cho sinh viên là các buổi tối, thứ 7 và chủ nhật”

Có thể thấy, hoạt động giảng dạy, đào tạo kỹ năng mềm phải xuất phát từ nhu cầu sinh viên và nhu cầu thị trường lao động. Sinh viên chỉ có thể tích cực tham gia học tập nếu những kiến thức và kỹ năng mềm đó là có ích, cần thiết cho nghề nghiệp, cho tương lai của họ.

Tại trường Đại học Tài chính – Marketing TPHCM, bắt đầu từ khóa tuyển sinh năm 2012, Trường tổ chức đào tạo Kỹ năng mềm. Ban đầu được thí điểm bởi khoa Du lịch, sau đó Trường chính thức giao cho Viện Nghiên cứu Kinh tế ứng dụng trực tiếp đảm nhận. Bộ môn Kỹ năng mềm trực thuộc Viện này ra đời, lực lượng giảng viên được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau. Hiện nay, bộ môn này có 11 giảng viên cơ hữu. Trường giảng dạy 6 kỹ năng chính, trong đó có 4 kỹ năng bắt buộc gồm kỹ năng thuyết trình, làm việc nhóm, quản lý thời gian, tư duy sáng tạo. Ngoài ra, người học chọn 2 trong 4 kỹ năng tự chọn là kỹ năng giao tiếp, giải quyết vấn đề, tìm việc, khám phá bản thân và lập kế hoạch nghề nghiệp. Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Hà Nam Khánh Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế ứng dụng của Trường đánh giá, chính kỹ năng mềm đã góp phần làm nên chất lượng giáo dục trong môi trường đại học. Trường đưa vào nội dung chuẩn đầu ra về kỹ năng mềm nên toàn bộ sinh viên của trường đều được học kỹ năng mềm. Từ đó, hoàn chỉnh dần khả năng của các em khi ra trường, các em vừa tiếp cận được kiến thức, vừa rèn luyện kỹ năng, vừa được đào tạo một thái độ tích cực.

Giảng dạy kỹ năng mềm khác nhiều so với giảng dạy các môn khoa học thuần túy, đòi hỏi người giảng viên phải có kiến thức chuyên môn, am hiểu tâm lý lứa tuổi, có kinh nghiệm và sự trải nghiệm thực tế. Thêm nữa, tích hợp kỹ năng mềm vào các môn học chính khóa là một xu thế ở nhiều nước trên thế giới. Là vì, việc tích hợp giúp cho người học có thể ứng dụng các kỹ năng mềm được biết vào những hoạt động thực tế. Qua đó, họ có thêm thời gian và hoạt động để hình thành kỹ năng một cách tốt nhất. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Vân Thanh, Trường Đại học Tài chính Marketing TPHCM, phương pháp này sẽ khó áp dụng, nếu như các giáo viên chưa thay đổi cách dạy từ truyền thống sáng dạy học tích cực: “Tích hợp kỹ năng mềm dạy hiệu quả nó phụ thuộc nhiều vào giảng viên. Giảng viên phải biết kiểm soát lớp. Bản thân giảng viên cũng phải có kỹ năng mềm. Tôi đơn cử việc giáo dục cho sinh viên tinh thần trách nhiệm chẳng hạn: đến lớp đúng giờ, chuẩn bị bài đầy đủ. Trước hết, người thầy cũng phải đến lớp đúng giờ. Cho nên bản thân giảng viên phải có kỹ năng”

 Tích hợp kỹ năng mềm vào việc giảng dạy là điều cần thiết, là môi trường để sinh viên rèn luyện kỹ năng ngay khi bước vào giảng đường đại học. Tuy nhiên, việc tích hợp cần nhiều điều kiện từ phía giảng viên, từ phía người học. Đồng thời, sự hỗ trợ của các lớp học chuyên đề kỹ năng mềm giúp sinh viên nhận thức rõ ràng hơn về tầm quan trọng của từng kỹ năng mềm. Từ đó, họ có ý thức rèn luyện và vận dụng hiệu quả vào các tình huống khác nhau của cuộc sống, vào công việc của họ hiện tại và tương lai. Thiết nghĩ, dù dạy kỹ năng mềm theo hình thức nào, nhưng chính sinh viên không nhận thức được sự quan trọng, sự cần thiết của nó đối với bản thân mình, thì cũng không mang lại hiệu quả./.