Đề thi lớp 10: Giảm học thuộc lòng, tăng khả năng vận dụng

(VOH) - Đề thi nằm ở mức khảo sát học sinh trung bình nhưng khoảng 40% phân hoá để có thể lựa chọn học sinh, bố trí tuyển sinh cho phù hợp.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT, có khoảng 74.000 thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 thường và gần 6.000 thí sinh đăng ký vào lớp 10 chuyên trên địa bàn thành phố. Trong khi đó, tổng chỉ tiêu các trường công lập trên địa bàn khoảng 63.000.

Năm học 2017-2018, có thêm 3 trường THPT mới là trường Năng khiếu thể dục thể thao Bình Chánh, THPT Phạm Phú Thứ, THPT Lê Trọng Tấn được đưa vào hoạt động nên dù số học sinh tốt nghiệp THCS tăng hàng chục ngàn em so với năm học trước nhưng bình quân có khoảng 78% sẽ được đáp ứng chỗ học tại các trường công lập.

Dự kiến sẽ có khoảng 17.000 em không có chỗ học tại các trường trung học phổ thông công lập. Vì vậy, việc chuẩn bị thật tốt cho các em bước vào kỳ thi được các trường quan tâm thực hiện ngay từ đầu năm học. 

Học sinh đang chạy nước rút

Từ đầu năm học trường THCS Trần Văn Ơn, quận 1 đã phối hợp với phụ huynh phân luồng học sinh theo khả năng và nguyện vọng vào các chuẩn trường khác nhau. Trên cơ sở đó, học sinh có sức học tốt, nguyện vọng vào các trường chuyên, trường "top" được tổ chức học theo lớp. Những học sinh có khả năng đáp ứng thấp hơn cũng được tổ chức lớp học riêng để nhà trường có thể phân bố giáo viên giảng dạy, theo sát trình độ.

Cô Nguyễn Thị Thu Hồng, Phó hiệu trưởng trường THPT Trần Văn Ơn cho biết:"Khi nghe thông tin sẽ thi tuyển sinh sớm hơn 10 ngày, ban giám hiệu đã chỉ đạo các tổ bộ môn vừa dạy vừa ôn tập. Làm sao cho các em thi học kỳ 2 xong là đã nắm vững chương trình học kỳ 2. Còn 3 tuần cuối của tháng 5 các thầy cô chỉ ôn lại học kỳ 1. Như vậy, các em đã hoàn thành tốt kiến thức của cả năm  lớp 9". 

Tương tự, tại trường THCS Hồng Bàng, quận 5, phân loại đánh giá học sinh theo năng lực cũng là một tiêu chí, để thầy cô bộ môn áp dụng các hình thức ôn tập phù hợp.

Cô Lê Nguyễn Bích Huyền, nhóm trưởng nhóm Toán 9 trường THCS Hồng Bàng, cho biết trên cơ sở học lực của học sinh, thầy cô bộ môn Toán của trường sẽ sắp xếp các em học tập, làm việc theo từng nhóm, trong đó gồm có cả học sinh giỏi, học sinh có học lực kém hơn để hỗ trợ nhau

“Mình phân ra theo từng nhóm nhưng không phải để các em ngồi riêng, mà vẫn để các em ngồi chung với nhau. Học thầy không tày học bạn, cùng lứa tuổi có khi truyền đạt lại dễ hơn.

Trong nhóm có học sinh giỏi lẫn học sinh chậm để giúp nhau vươn lên. Khi nào cần hỗ trợ, mình làm việc theo nhóm. Những bài cần tự học, nghiên cứu thì để các em làm việc một mình" – cô Huyền chia sẻ.

Thay đổi phương pháp ôn thi

Những năm gần đây, đề thi có xu hướng giảm kiến thức hàn lâm, tăng tính ứng dụng thực tiễn nên việc rèn luyện cho học sinh có kỹ năng làm bài được các thầy cô đặt lên hàng đầu.

Nếu môn Toán có những dạng bài ứng dụng thực tiễn, thì ở môn Ngữ văn, yếu tố này cũng được quan tâm không kém. Cô Phạm Thị Vân Hương, giáo viên Ngữ Văn 9, trường trung học cơ sở Trần Văn Ơn cho biết, việc rèn luyện kỹ năng vận dụng thực tiễn được giáo viên trong trường quan tâm rèn luyện cho các em ngay từ lớp 6.

Thông qua những bài kiểm tra trên lớp, các vấn đề xã hội, liên quan thực tế đến bản thân như: nói lời cảm ơn, xin lỗi, suy nghĩ về việc chào cờ đầu tuần, và liên hệ đến cả những sự kiện thời sự trong nước quốc tế... được các em nêu quan điểm, chia sẻ suy nghĩ và định hướng chính bản thân mình.

Cô Vân Hương cho rằng:"Mấy năm vừa qua, đề Văn ra theo hướng mở để học sinh không phải thuộc bài mẫu và giáo viên cũng không cần dạy "tủ". Học sinh được thể hiện sự sáng tạo, không rơi vào tình trạng học vẹt, học tủ.

Sự phân hoá học sinh rất rõ ràng. Đây là cuộc thi quan trọng để chọn lọc, học sinh cần nắm vững các kỹ năng nhưng không quá căng thẳng và quan trọng nhất phải bình tĩnh để xác định đúng vấn đề, trình bày rõ ràng sạch sẽ, có cảm xúc thì càng tốt".

Bà Vũ Thị Hường, Phó hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Hồng Bàng, Quận 5, đơn vị có 97% học sinh vào được lớp 10 công lập trong năm học vừa rồi, cho rằng các em cần nỗ lực ôn tập nhưng cũng không nên đặt quá nhiều áp lực. Đặc biệt những ngày trước thi, cần sắp xếp thời gian sinh hoạt, nghỉ ngơi một cách hợp lý.

Phó hiệu trưởng phân tích: “Điểm chuẩn phụ thuộc rất nhiều vào đề thi. Nếu đã khó thì sẽ khó đều với tất cả các em, đã dễ cũng sẽ dễ đều với tất cả các em. Tuy nhiên, cần ra đề như thế nào để học sinh nhận thức được đề, không đi quá xa với kiến thức các em được học, nhưng cũng phải đáp ứng mức độ phân hoá, đánh giá đúng "lực" của các em. Vì thi cử cũng nhằm mục đích làm sao công bằng nhất cho học sinh".

Ngoài ra, theo cấu trúc đề thi lớp 10 được thông tin từ trước,  năm học này đề thi sẽ tăng cường dữ liệu bên ngoài sách giáo khoa, hướng ra đề không quá sâu và phức tạp mà tăng cường vận dụng thực tế, chú trọng khả năng lập luận, bình luận từ đó, giúp học sinh không phải học thuộc quá nhiều.

Bình luận