Hội nghị do ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP chủ trì. Trong đó, các đại biểu nêu đề xuất về việc hỗ trợ học phí cho các lớp tiểu học ngoài công lập nhằm giảm bớt áp lực tuyển sinh.
Thành phố hiện có 6/24 quận huyện còn gặp khó khăn, không đảm bảo được việc thực hiện 2 buổi/ngày, gồm: quận Gò Vấp, Tân Phú, quận 12, Thủ Đức, Bình Tân và huyện Bình Chánh. Trong đó, quận Tân Phú tỷ lệ học 2 buổi/ngày chỉ đạt 30% cả cấp tiểu học.
Để đảm bảo chương trình phổ thông mới, quận xây dựng kế hoạch dạy trên 5 buổi/tuần. Đồng thời, mỗi trường giành 10% số phòng học để dạy buổi thứ 6, thứ 7...
Tại Quận 12, năm nay có hơn 10.000 trẻ vào lớp 1 trong đó, 8.100 trẻ được phân tuyến vào lớp 1 công lập, 320 trẻ vào học lớp 1 ở các trường ngoài công lập. Tỷ lệ học 2 buổi của quận đạt 65%. Ngoài ra, trên địa bàn quận còn 815 cháu tạm trú dưới 1 năm và 669 trường hợp chưa có sổ tạm trú hợp pháp, chưa được phân tuyến vào lớp 1.
Ông Nguyễn Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND Quận 12 cho biết, hàng năm quận có khoảng 22.000 lao động nhập cư đến sinh sống trên địa bàn nên áp lực tuyển sinh khá lớn. Theo ông Đức, ban đầu kế hoạch là 44.9 học sinh/lớp, nhưng thấy trước tình hình khó khăn, lãnh đạo quận quyết định tăng lên 50 học sinh/lớp nhưng vẫn tiếp tục không đủ đáp ứng nhu cầu học tập của các cháu.
Giải pháp của Quận 12 là tiếp tục rà soát, giảm số học sinh 2 buổi/ ngày để cân đối.
Bên cạnh áp lực tăng dân số, Chương trình giáo dục phổ thông mới đòi hỏi học sinh phải được học 2 buổi/ngày, "cuốn chiếu" dần cho tất cả khối lớp, nên áp lực lại tăng thêm. Theo ông Lê Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM - ngoài giải pháp trước mắt là giảm tỷ lệ học 2 buổi/ngày ở các khối lớp 2-3-4-5, việc đẩy nhanh tiến độ xây trường cũng đã được thành phố và các quận huyện thực hiện trong nhiều năm nay.
Tuy nhiên, Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM sẽ tham mưu đề xuất thêm giải pháp hỗ trợ các trẻ học ngoài công lập. Ông Nam cho biết sẽ nghiên cứu hướng tập trung phát triển các trường tiểu học ngoài công lập. Khi học ngoài công lập sẽ có những đối tượng phụ huynh muốn hưởng thụ đầu tư riêng của trường ngoài công lập, những điều kiện khác... Tuy nhiên, có một số đối tượng phụ huynh học sinh khó khăn. “Sở sẽ tham mưu hỗ trợ học phí cho đối tượng học sinh này. Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM nghiên cứu, cùng với các sở ngành xây dựng đề án làm sao hỗ trợ được học phí cho học sinh tiểu học ngoài công lập, trình HĐND TPHCM." , ông Nam nói.
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị các quận rà soát lại dự án đầu tư công trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn. Căn cứ trên nguồn lực thực tế của Thành phố, đảm bảo tiến độ đầu tư công. Ông Đức cũng cho rằng, hiện tỷ lệ đất cho giáo dục chưa đảm bảo, Sở Quy hoạch kiến trúc cần rà soát, tham mưu; Sở Xây dựng đẩy nhanh tiến độ thực hiện; Sở Giáo dục và Đào tạo cần dự báo tình hình, báo cáo đề xuất kế hoạch đề án hỗ trợ đảm bảo các em đến tuổi đi học có thể đến trường theo Điều 99 Luật Giáo dục. Trong đó, 2 nội dung cần phải được đảm bảo là: các em phải được đến trường khi đến tuổi và phải học đầy đủ chương trinh giáo dục mới.
Ông Đức cho biết, trung bình cứ 5 năm TPHCM tăng thêm 1 triệu người, tương đương dân số một tỉnh. Đáng ngại là mức tăng lại phân bố không đều mà tập trung ở một số quận, huyện. Vì vậy, phụ huynh khi đến làm việc trên địa bàn Thành phố, cần cân nhắc chọn lựa nơi cư trú không chỉ phù hợp với chỗ làm mà cả điều kiện học hành của con cái.
Ông Dương Anh Đức yêu cầu: "Muốn giải quyết được cần sự hợp tác, chia sẻ giữa các bên liên quan: giữa chính quyền TP, phụ trách ngành là Sở Giáo dục - Đà o tạo và các sở, ngành liên quan đầu tư tài chính, quy hoạch, địa phương là quận huyên phường xã quan tâm và các bản thân người dân cũng ý thức về quyền lợi, điều kiện của con em mình mà cân nhắc lựa chọn nơi cư trú."
Để đảm bảo chỗ học cho trẻ, trước mắt, Thành phố áp dụng giải pháp giảm số lượng học 2 buổi/ngày, thay vào đó sẽ tăng số trẻ học 6 buổi/tuần. Như vậy chuyển tải được nội dung chương trình mới nhưng vẫn đảm bảo chỗ học cho trẻ trong độ tuổi.
Thành phố cũng khuyến khích những gia đình có điều kiện có thể lựa chọn các mô hình trường ngoài công lập. Về lâu dài, Thành phố sẽ có chính sách hỗ trợ cho học sinh trường ngoài công lập.
Tới đây, Thành phố sẽ có buổi làm việc chung các Sở ngành quận huyện để bàn giải pháp cụ thể cho vấn đề này.
TPHCM: Đề xuất 2 phương án khai giảng năm học mới 2020-2021 - Chiều 21/8, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM đã có tờ trình đến Thường trực UBND Thành phố về việc tổ chức Lễ Khai giảng năm học mới 2020-2021.
Tuyết Nhung