ĐHQG-HCM dẫn đầu cả nước với 154 chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế

TPHCM - Tính đến tháng 11/2024, ĐHQG-HCM có tổng cộng 154 chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định quốc tế.

Với trung bình khoảng 20 chương trình đạt chuẩn kiểm định mỗi năm, việc đạt được hơn 200 chương trình đào tạo do các tổ chức quốc tế uy tín kiểm định theo Chiến lược phát triển ĐHQG-HCM giai đoạn 2021-2030 là hoàn toàn khả thi.

Trong năm 2024, ĐHQG-HCM có 26 chương trình đào tạo tham gia kiểm định theo các bộ tiêu chuẩn quốc tế như ABET, ASIIN, FIBAA, AUN-QA, trong đó 8 chương trình đã có kết quả đạt chuẩn.

Nếu tính chung các chương trình đã đánh giá năm 2023 và có kết quả đạt chuẩn trong năm 2024, ĐHQG-HCM có tổng cộng 32 chương trình đạt chuẩn kiểm định quốc tế.

bach-khoa-261224
Phòng thí nghiệm Vi mạch và Hệ thống Cao tần của trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM)

Số lượng chương trình đạt chuẩn quốc tế của ĐHQG-HCM có xu hướng tăng nhanh, chỉ trong gần 4 năm (từ năm 2020 đến tháng 10/2024), ĐHQG-HCM đã có 85 chương trình đạt chuẩn kiểm định, nhiều hơn giai đoạn 10 năm trước đó cộng lại.

ĐHQG-HCM cũng là đơn vị đầu tiên của Việt Nam có 2 chương trình đạt chuẩn ABET, 4 chương trình đạt chuẩn AQAS, 1 trường đại học thành viên đạt chuẩn HCERES, 1 trường đại học thành viên đạt chuẩn ASIIN.

Đạt chuẩn kiểm định chất lượng sẽ giúp ĐHQG-HCM cải tiến chất lượng liên tục, từ đó nâng cao vị thế của ĐHQG-HCM trong phạm vi quốc gia/quốc tế, thu hút đội ngũ giảng viên và người học chất lượng cao.

Đặc biệt, sinh viên sẽ có điều kiện học tập trong môi trường chất lượng, được tham gia các chương trình trao đổi học thuật, thực tập, chuyển đổi tín chỉ và tăng cơ hội việc làm trong thị trường lao động toàn cầu.

TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo cho biết, ĐHQG-HCM là đơn vị đầu tiên trong cả nước ban hành Quy chế đảm bảo chất lượng giáo dục (2017), xây dựng nhiều tài liệu hướng dẫn, triển khai các hoạt động cụ thể để phát triển văn hóa chất lượng trong toàn hệ thống.

Đặc biệt, ĐHQG-HCM đang xây dựng “Đề án phát triển công tác bảo đảm chất lượng giai đoạn 2025-2030” với nhiều mục tiêu quan trọng, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy toàn diện công tác bảo đảm chất lượng đáp ứng các xu thế mới của giáo dục đại học.

TS Chính cho biết thêm, với một hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong được coi là hình mẫu của cả nước, ĐHQG-HCM đang hướng đến việc được công nhận cơ chế tự kiểm định chất lượng chương trình đào tạo (self accreditation), góp phần thúc đẩy sự phát triển của giáo dục đại học Việt Nam trong xu thế hội nhập chất lượng toàn cầu.

Bình luận