Theo đó, Đại học Quốc gia TPHCM (ĐHQG-HCM) đạt top 901-950 và thuộc nhóm 40% đại học xuất sắc nhất thế giới.
Kết quả xếp hạng của QS World 2025 cho thấy, ĐHQG-HCM tăng một bậc trên bảng xếp hạng (QS World 2024 ghi nhận ĐHQG-HCM thuộc nhóm 951-1.000 các đại học tốt nhất thế thế giới); có 3/9 tiêu chí thuộc top 500 thế giới, gồm: Danh tiếng với nhà tuyển dụng (hạng 389), Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm (hạng 466) và Danh tiếng với đồng cấp học thuật (hạng 481).
ĐHQG-HCM dẫn đầu các đại học Việt Nam về tiêu chí Danh tiếng với đồng cấp học thuật. Các tiêu chí còn lại đều thuộc Top 701+.
QS World University Rankings 2025 xếp hạng các đại học trên thế giới dựa trên 9 tiêu chí, gồm: Danh tiếng với đồng cấp học thuật, Danh tiếng với nhà tuyển dụng, Tỷ lệ giảng viên/sinh viên, Tỷ lệ trích dẫn, Tỷ lệ giảng viên quốc tế, Tỷ lệ sinh viên quốc tế, Mạng lưới nghiên cứu quốc tế, Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm và Tính bền vững.
QS World University Ranking by Subject 2024 đã vinh danh ĐHQG-HCM là một trong những đại học hàng đầu thế giới với 11 ngành đào tạo đạt vị trí cao.
Trong đó, 8 ngành được xếp vào top 500 thế giới, gồm: ngành Kỹ thuật Điện và Điện tử đạt top 351-400, ngành Toán top 351-400, ngành Kỹ thuật Hoá học top 401-430, ngành Khoa học môi trường top 451-500, ngành Khoa học máy tính và Hệ thống thông tin top 451-500, Nông lâm top 401-450, Kinh tế học và Kinh tế lượng top 451-500. Đặc biệt, ngành Kỹ thuật Dầu khí tiếp tục duy trì thứ hạng top 51-100 thế giới.
3 ngành còn lại là Kinh doanh và Khoa học quản lý top 501-550, ngành Hoá học top 601-650, Vật lý và Không gian top 601-640.
Ngày 3/6/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký quyết định thành lập Trường Đại học Khoa học Sức khỏe là trường đại học thành viên của ĐHQG-HCM - trên cơ sở Khoa Y trực thuộc ĐHQG-HCM. Đây là trường đại học thành viên thứ 8 của ĐHQG-HCM.
Trường Đại học Khoa học Sức khỏe là cơ sở giáo dục đại học công lập có trụ sở đặt tại tỉnh Bình Dương, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng.
Khoa Y ĐHQG-HCM được thành lập vào năm 2009, đào tạo sinh viên thuộc 5 ngành: Y khoa, Dược học, Răng Hàm Mặt, Y học cổ truyền và Điều dưỡng.
Đối với bậc đào tạo sau đại học, chuyên khoa cấp 1, có 5 chuyên ngành gồm: Nội khoa, Ngoại khoa, Sản phụ khoa, Nhi khoa và Tai Mũi Họng.
Đối với bậc đào tạo Bác sĩ Nội trú, có 4 chuyên ngành gồm: Ngoại khoa, Sản phụ khoa, Nhi khoa và Tai Mũi Họng.
Tính đến thời điểm hiện nay, ĐHQG-HCM có 10 cơ sở đào tạo gồm: 8 trường đại học thành viên (Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Công nghệ thông tin, Trường Đại học Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Trường Đại học An Giang và Trường Đại học Khoa học Sức khỏe), 1 Viện Môi trường và Tài nguyên, 1 Phân hiệu ĐHQG-HCM tại tỉnh Bến Tre.