ĐHQG TPHCM: 62 chương trình đào tạo theo mô hình CDIO

(VOH) - Sáng nay (25/8), ĐHQG TPHCM tổ chức Hội nghị CDIO năm 2016 với chủ đề “Đào tạo theo CDIO: đúc kết triển khai cho các ngành kỹ thuật và phi kỹ thuật”.

PGS.TS Huỳnh Thành Đạt - Phó Giám đốc thường trực ĐHQG TPHCM phát biểu tại Hội nghị.

CDIO là một khung chuẩn giúp xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo đáp ứng mục tiêu phát triển toàn diện kiến thức, kỹ năng, phẩm chất và năng lực nghề nghiệp cần thiết cho sinh viên.

ĐHQG TPHCM áp dụng mô hình này từ năm 2010, bắt đầu bằng việc thí điểm cho 5 ngành đào tạo. Đến năm 2016, toàn ĐHQG có 5 trường, 30 khoa, 62 chương trình đào tạo tham gia áp dụng CDIO. Trên cả nước, CDIO được triển khai chính thức ở nhiều trường đại học khác. Đánh giá những hiệu quả từ việc áp dụng mô hình này, Phó Giáo sư.

Tiến sĩ Nguyễn Hội Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TPHCM cho biết: “Chúng tôi đã xây dựng được đội ngũ giảng viên của các trường đại học thành viên có năng lực mới để áp dụng tư tưởng CDIO vào trong giảng dạy. Các thầy cô đã quán triệt được tinh thần, ý tưởng của CDIO. Các giảng viên cũng nắm được, triển khai được tốt phương pháp đánh giá, giảng dạy kiểm tra của mình đối với sinh viên. Như vậy, đối với giảng viên đó chính là thành tựu lớn nhất, đã áp dụng được công nghệ giáo dục, công nghệ đào tạo giảng dạy mới nhất”.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa, triển khai mô hình này tại các trường đại học Việt Nam giúp đổi mới căn bản cách thức xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận năng lực, để đào tạo sinh viên đáp ứng chuẩn chất lượng khu vực và quốc tế. Tốt nghiệp các chương trình theo mô hình này, sinh viên có nhiều cơ hội tham gia thị trường lao động trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN, các thị trường lao động trên thế giới.