Đổi mới giáo dục: Thầy cô phải nêu gương cả về đạo đức và chuyên môn

(VOH) - Phải thay đổi chính sách đãi ngộ, đảm bảo sự công bằng với thầy cô giáo; giáo viên cũng phải đổi mới và được đào tạo lại...

Đó là những ý kiến đầy tâm huyết của các đại biểu tại Hội thảo đóng góp ý kiến về việc thực hiện Nghị quyết 29/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện và giáo dục Việt Nam” của Hội Cựu Giáo chức TPHCM diễn ra sáng 11/12/2019.

Cô Nguyễn Thị Yến Thu - Chủ tịch Hội Cựu Giáo Chức TPHCM bày tỏ những trăn trở trước nhiều sự việc gây bức xúc trong thời gian qua: Gian lận thi cử, thầy giáo có hành vi không đúng mực với học sinh, tình trạng bạo hành trong lớp học, những biến tướng của dạy thêm - học thêm...

Từ đó, cô đề xuất cần tăng cường nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho các thầy cô; mạnh dạn đưa ra khỏi ngành những giáo viên yếu kém, thiếu trách nhiệm; tăng lương cho giáo viên một cách tương xứng...

Đổi mới giáo dục

Hội thảo đóng góp ý kiến về việc thực hiện nghị quyết 29/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện và giáo dục Việt Nam”

Để lấy lại niềm tin và giữ gìn, phát huy phẩm chất đạo đức nhà giáo, theo nhà giáo Nguyễn Tiến Vững thì cần thực hiện 3 giải pháp: Người thầy phải nêu gương cả về đạo đức và chuyên môn; Kết hợp giữa giáo dục đạo đức, giáo dục pháp luật với khen thưởng, kỷ luật để tác động tới giáo viên; Kết hợp giữa giáo dục gia đình - nhà trường - xã hội để tác động đến đạo đức nhà giáo. 

Theo TS Hồ Bá Thâm, để đẩy lùi sự suy thoái đạo đức trong ngành giáo dục phải có quyết tâm chính trị lớn và giải pháp có hệ thống và mang tính đột phá. Ngành giáo dục phải chủ động phòng ngừa và giải quyết những tồn tại trong lĩnh vực của mình.

Chia sẻ những khó khăn và thách thức của các thầy cô giáo trong giai đoạn hiện nay, nhà giáo Lê Duy Tân - với hơn 20 năm làm công tác giảng dạy và quản lý cho rằng, thầy cô cần chủ động, chuyển từ truyền thụ kiến thức một chiều sang hướng dẫn các em học sinh tìm kiếm, lựa chọn các tri thức cần thiết. Người thầy để hoàn thành tốt vai trò của mình cần có sự chia sẻ, đoàn kết và thấu hiểu của tập thể, cộng đồng và xã hội. 

Về vấn đề biên soạn sách giáo khoa mới, nhà giáo Trần Trung Mậu đề xuất vẫn nên có một Bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục & Đào tạo biên soạn và tham khảo, lựa chọn nhiều sách giáo khoa các môn học khác cùng với sách tham khảo do các cá nhân, tập thể, tổ chức tham gia biên soạn. Ngoài ra Bộ Giáo dục & Đào tạo cần xóa bỏ cách phiên âm Việt tên riêng và địa danh (nước ngoài) trong sách giáo khoa mới. 

Tại Hội thảo, các đại biểu còn chia sẻ nhiều ý kiến xung quanh vấn đề: dạy thêm - học thêm, giáo dục mầm non, bạo lực học đường... Các ý kiến đóng góp này đều sẽ được Hội Cựu Giáo Chức TPHCM gửi đến Bộ Giáo dục & Đào tạo.

100% giáo viên được tập huấn trước khi bắt đầu chương trình phổ thông mới - Sở Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành kế hoạch tổ chức bồi dưỡng đại trà chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cho cán bộ quản lý và giáo viên TPHCM.

Cuộc thi Hành trình tìm kiếm các Kỷ lục gia tiếng Anh tại Việt Nam - Vượt qua 10.000 sinh viên, học sinh khu vực phía Nam, Phan Hoàn Mỹ- học sinh trường chuyên Thủ Khoa Nghĩa - An Giang đạt giải nhất Cuộc thi Olympics tiếng Anh Việt Nam 2019 (EOV 2019).