Gặp chàng trai điểm 10 môn Toán ở TPHCM Nguyễn Trần Công Đạt

(VOH) - Cựu học sinh Trường Trung học phổ thông Trần Phú, Quận Tân Phú được biết đến với tên gọi "chàng trai điểm 10 môn Toán" trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2018.

Sinh thời, Bác cho rằng “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức... Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức... Thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con. Trách nhiệm đó rất là vẻ vang, quan trọng”. Chính vì vậy, với Nguyễn Trần Công Đạt, sinh viên Trường Đại học Sư Phạm TPHCM, trao dồi, phấn đấu trở thành người giáo viên tốt, để thực hiện được đam mê và tiếp tục khẳng định vai trò nghề dạy học là mục tiêu đeo đuổi từ rất sớm. Cựu học sinh Trường Trung học phổ thông Trần Phú, Quận Tân Phú được biết đến với tên gọi "chàng trai điểm 10 môn Toán" trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2018. Với điểm thi lý tưởng Công Đạt có thể đậu vào các trường và ngành học "hot" với khả năng thu nhập tốt hơn, nhưng bạn vẫn chọn theo ngành sư phạm Hoá của trường Đại học Sư Phạm TPHCM. 

* VOH: Với khả năng của mình em có thể chọn được những ngành học có điểm chuẩn cao hơn, có tương lai tốt hơn, tại sao em quyết định chọn ngành sư phạm?

Nguyễn Trần Công Đạt: Từ cấp 2 là em có niềm đam mê với nghề giáo viên rồi, lên cấp 3 em vẫn tiếp tục đeo đuổi ước mơ đó, mặc dù, thời điểm đó, thực sự em có nhiều lựa chọn. Em nghĩ, nếu mình chọn nghề mà mình yêu thích, có niềm đam mê, mình sẽ dễ dàng hơn. Công việc sẽ tốt hơn một nghề có thể mang lại thu nhập tốt hơn nhưng bản thân lại không yêu thích. Khi phải làm công việc đó, trong khoảng thời gian dài, công việc sẽ không có được niềm vui.

Nguyễn Trần Công Đạt- Mong muốn luôn giữ được lửa nghề 1

Nguyễn Trần Công Đạt

* VOH: Điều gì ở nghề giáo đã gợi cho em động lực, niềm đam mê?

Nguyễn Trần Công Đạt: Ba em làm kế toán trong trường học. Có một khoảng thời gian em được theo ba, xem ba làm việc, từ đó em tiếp xúc với môi trường trường học rất nhiều. Em nhận thấy nhiều điều, nhiều mặt, nó khác hơn khi chỉ đi học. Công việc của người giáo viên không chỉ đơn giản là truyền thụ kiến thức mà con là môi trường có thể tiếp xúc với  nhiều người. Người giáo viên không chỉ cho học sinh kiến thức mà còn góp phần xây dựng một thế hệ về nhiều mặt. Từ đó, em thấy nghề giáo là nghề rất đáng trân trọng, trân quý.

Quá trình tiếp xúc như vậy và qua những giáo viên đã từng dạy em,  em được truyền thêm động lực, nguồn cảm hứng từ những việc mà thầy cô đã hỗ trợ em trong học tập và trong cuộc sống. Tất cả những điều đó đã hun đúc trong em niềm đam mê với nghề.

* VOH: Thời điểm này là sinh viên năm 4 sắp ra trường, em thấy mình đã trang bị được những kỹ năng để trở thành một người giáo viên lý tưởng chưa?

 Nguyễn Trần Công Đạt: Môi trường trường Đại học Sư phạm ngay từ những ngày đầu tiên em và các bạn cùng khoá cũng được khoa, được trường trang bị những hành trang cả về kiến thức chuyên môn, lẫn kỹ năng sư phạm và nhiều kiến thức khác để có thể trở thành người giáo viên vừa có tâm vừa có tài.

Bản thân em, em nghĩ mình chưa đạt được mức là một giáo viên lý tưởng. Tuy nhiên, quá trình học tập cũng đã cho em nền tảng nhất định và sẽ là động lực nhiều hơn để sau này tốt nghiệp rồi, em cố gắng phát triển, học hỏi, trau dồi nhiều hơn để phấn đấu đến mức độ hoàn hảo nhất của mình, trong khả năng của mình...để có thể thực hiện công việc đam mê một cách tốt nhất.

* VOH: Kế hoạch sắp tới của em là gì?

Nguyễn Trần Công Đạt: Năm nay là năm cuối, em vẫn học các môn về chuyên ngành, phương pháp sư phạm. Từ học kỳ II, em bắt đầu thực tập. Sau khi kết thúc thực tập, em sẽ có 2 định hướng: có thể em sẽ học lên cao học hoặc thi viên chức để đi dạy ở các trường phổ thông. Việc này còn tuỳ tình hình, khả năng của em khi đó.

* VOH: Em có gửi gắm gì đến các bạn trẻ như em có trong việc chọn lựa nghề nghiệp nếu các bạn cũng yêu thích ngành sư phạm như em?

Nguyễn Trần Công Đạt: Chọn ngành sư phạm không phải là con đường dẫn bạn đến công việc có thu nhập cao, với cuộc sống khá giả. Tuy nhiên, đối với em, mỗi nghề đều có vai trò riêng, quan trọng là niềm đam mê của mỗi bạn sẽ quyết định việc lựa chọn con đường. Ngoài ra, việc lựa chọn ngành nghề còn tuỳ thuộc vào khả năng và niềm đam mê của mỗi bạn.

Nếu bạn thực sự có niềm đam mê với nghề giáo, thì khi trở thành một giáo viên thực sự, thu nhập dù quan trọng nhưng cũng không phải là cản trở lớn nhất của bạn. Quan trọng là làm sao trong quá trình học tập, rèn luyện và sau này khi trở thành người giáo viên, bạn phải giữ được lòng yêu nghề của mình. Giữ được lửa nghề, truyền thụ kiến thức, và cả những phẩm chất, yếu tố khác để có thể đào tạo một thế hệ thành công. Mình phải cố gắng giữ lửa đó để mình là người giáo viên có được niềm vui trong công việc của mình.