Tại Hội nghị góp ý kế hoạch nhà trường năm học 2022-2023 diễn ra sáng nay 13/9 tại trường Trung học phổ thông Trưng Vương. Nhiều vấn đề còn vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được các đơn vị trường học đưa ra.
Bà Trần Thuý An, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Minh Đức, Quận 1, cho biết năm học 2022-2023 là năm thứ 2 triển khai chương trình ở khối trung học cơ sở. Năm đầu tiên ở khối lớp 6 việc giảng dạy tích hợp bộ môn Khoa học tự nhiên còn khá thuận lợi do mức độ kiến thức còn khá đơn giản. Tuy nhiên sang năm học này, giáo viên dạy tích hợp bộ môn Khoa học Tự nhiên đã cảm nhận được những khó khăn. Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Minh Đức chia sẻ: "Năm nay, khi triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông đến lớp 7 là đã gặp những khó khăn từ phía giáo viên phải dạy tích hợp các bộ môn Khoa học tự nhiên. Với bộ môn Lịch sử - Địa lý thì hiện tại giáo viên vẫn "gồng" được. Tuy nhiên, tôi rất lo ngại khi sang năm triển khai ở khối lớp 8 rồi khối lớp 9, kiến thức sẽ khó dần lên. Giáo viên cho rằng hiện có 2 thì dạy 1, thậm chí có 1 dạy 1 như vậy thì không đảm bảo. Tức là, tự trọng nghề nghiệp của giáo viên không chấp nhận việc không đủ tự tin khi trả lời cho học sinh, bởi vì kiến thức của giáo viên được bồi dưỡng vẫn chưa đủ để họ tự tin."
Triển khai chương trình phổ thông 2018 ở khối lớp 10 từ năm học 2022-2023, Trường Trung học phổ thông Trưng Vương tổ chức dạy học theo các nhóm ngành. Trong đó, có đưa môn âm nhạc, mỹ thuật vào giảng dạy. Trường cũng tổ chức 7 chương trình giáo dục nhà trường, thành lập Ban Ngoài giờ lên lớp, trải nghiệm, hướng nghiệp và Giáo dục địa phương... để triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 một cách hiệu quả. Bà Trương Thị Bích Thuỷ, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trưng Vương cho biết năm học này trường có 150 học sinh chọn môn Mỹ thuật. Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, nhà trường phối hợp với trường Mỹ thuật để dạy 1 tiết nâng cao theo mức phí thoả thuận với phụ huynh. 2 tiết còn lại theo quy định chương trình sẽ trích từ nguồn thu học phí của nhà trường. Bà Trương Thị Bích Thuỷ nêu thực tế: "Ví dụ cơ chế của trường công lập, lương giáo viên được trả theo ngân sách nhà nước. Còn thu của nhà trường được sử dụng cho các hoạt động khác. Tuy nhiên, vì học sinh, trường tổ chức dạy học âm nhạc, mỹ thuật, nhưng trường không có nhân sự để dạy phải thỉnh giảng, nhà trường phải trả lương và trích từ nguồn thu của nhà trường, đó là học phí công lập, để trả lương."
Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM khẳng định kế hoạch giáo dục của nhà trường cần bắt nguồn từ thực tế đơn vị. Không nên sao chép nguyên bảng kế hoạch giáo dục của trường này vào trường khác. Mà cần thực hiện trên cơ sở điều kiện và thế mạnh riêng của từng trường. Ông Quốc lưu ý kế hoạch nhà trường cần tính đến khả năng đưa vào thực hiện: "Trên tinh thần bám sát các quy định chung để chúng ta triển khai thực hiện. Nguyên tắc chương trình thời lượng bao nhiêu, quy định như thế nào, chúng ta phải đảm bảo thực hiện đúng. Còn việc phân công, việc triển khai thực tế như thế nào thì tuỳ từng nhà trường, tuỳ nhân sự, cách tổ chức...sẽ có phân công cụ thể. Cái nào được phép sử dụng ngân sách hỗ trợ, hay nguồn thu khác hoặc theo những quy định khác, các trường có thể đưa vào quy chế chi tiêu nội bộ để hỗ trợ thêm cho thầy cô."